Trung Quốc phát triển công nghệ phát hiện chính xác tế bào ung thư

Phân biệt các tế bào ung thư với tế bào bình thường là một thách thức với các bác sỹ trong phẫu thuật ung thư nhưng các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng công nghệ SNAB để phân biệt tế bào ung thư.
Trung Quốc phát triển công nghệ phát hiện chính xác tế bào ung thư ảnh 1Ảnh minh học. (Nguồn: Bloomberg)

Phân biệt các tế bào ung thư với tế bào bình thường có thể là một thách thức rất lớn đối với các bác sỹ trong những ca phẫu thuật ung thư.

Bên cạnh đó, việc không thể định vị chính xác và loại bỏ tất cả các mô ung thư trong quá trình phẫu thuật cũng là nguyên nhân khiến các tế bào ung thư phát triển và buộc bệnh nhân phải trải qua những ca phẫu thuật mới.

Tuy nhiên, những vấn đề nói trên có thể được giải quyết nhờ công nghệ hỗ trợ chẩn đoán chính xác và can thiệp hiệu quả trong quá trình điều trị ung thư do các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu và phát triển.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, một nhóm các nhà khoa học làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học vật lý Hợp Phì (Hefei) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã kết hợp các axit nucleic hình cầu với các phân tử beacon phát sáng được chế tạo tinh vi, gọi là công nghệ SNAB để phân biệt các tế bào ung thư với các tế bào bình thường dựa trên dấu hiệu nhận dạng của bệnh ung thư-sự phát triển không thể kiểm soát.

[Trung Quốc: Phát hiện hai biến thể gene mới gây bệnh Alzheimer]

Trưởng nhóm nghiên cứu-tiến sỹ Trương Trung Bình cho biết sự phát triển không thể kiểm soát của các tế bào ung thư cần phải có sự xúc tác của telomerase, một loại enzyme đặc biệt.

Thông qua quá trình xúc tác, công nghệ SNAB có thể gắn thuốc nhuộm huỳnh quang vào các tế bào ung thư và khiến chúng phát sáng.

Theo tiến sỹ Trương Trung Bình, SNAB đã chứng tỏ được khả năng phân biệt nhiều loại tế bào ung thư với các tế bào bình thường và hoạt động hiệu quả trên nhiều hệ thống khác nhau.

Nếu được đưa vào thử nghiệm trong điều trị, công nghệ mới sẽ có thể hỗ trợ các bác sỹ phẫu thuật định vị chính xác và loại bỏ tất cả các mô ung thư nhằm ngăn chặn hiệu quả nguy cơ tái phát và hạ thấp tỷ lệ tử vong do ung thư gây ra.

Cùng với công nghệ nói trên, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện số 2, Đại học Y khoa tỉnh Anh Huy vừa bổ sung ba gene mới vào danh sách các gene có khả năng gây ra ung thư vú, qua đó góp phần nâng cao khả năng phát hiện, ngăn chặn và điều trị sớm căn bệnh này.

Theo tiến sỹ Trương Bác, Trưởng nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện chính xác vai trò của ba gene mới gồm C21orf58, ZNF526 và 7q21.11 trong quá trình phát triển của các tế bào ung thư vú.

Phát hiện này sẽ giúp lý giải các cơ chế di truyền của bệnh ung thư vú và đánh giá chính xác hơn những nguy cơ của căn bệnh này; đồng thời giúp điều chỉnh các phương pháp và phạm vi sàng lọc ung thư vú, qua đó phát hiện sớm và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát bệnh và tử vong do ung thư vú rất cao.

Tỷ lệ các ca bệnh ung thư vú mới được phát hiện ở Trung Quốc hiện cao gấp đôi so với mức bình quân của thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục