Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt được "một sự khởi đầu tốt" trong lĩnh vực kinh tế trong quý đầu tiên của năm nay, qua đó phát đi tín hiệu giới chức nước này có thể tiến hành thêm các biện pháp kích thích kinh tế trong ngắn hạn nhằm đối phó tình trạng tăng trưởng "èo uột."
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/1, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát tình hình kinh tế và bổ sung các kế hoạch dự phòng cho chính sách kinh tế.
Phát biểu họp báo, Phó Chủ nhiệm NDRC Liên Duy Lương nhấn mạnh việc ổn định việc làm là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Ông cũng cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, song sẽ không triển khai ồ ạt các biện pháp kích thích kinh tế.
Trong một tuyên bố riêng rẽ cùng ngày, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này sẽ đẩy mạnh chi tiêu tài chính và tiến hành cắt giảm thuế nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất nhỏ.
Về phần mình, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - ngân hàng trung ương Trung Quốc) thông báo sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, không quá thắt chặt cũng như không quá nới lỏng, đồng thời đảm bảo sự tiến bộ và linh hoạt.
[Tổng thống Mỹ lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc]
Trước đó, phát biểu trên sóng truyền hình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này đã đạt được các mục tiêu kinh tế then chốt trong năm 2018 và sẽ tìm kiếm một sự khởi đầu mạnh mẽ cho nền kinh tế trong quý 1/2019 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu trong năm nay.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận tốc độ tăng trưởng ì ạch trong năm ngoái trong bối cảnh giới chức Trung Quốc tiến hành một loạt điều chỉnh cấu trúc dài hạn trong kế hoạch đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng khiến triển vọng kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc thêm bất ổn.
Theo các số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng cuối năm 2018 đạt 221,25 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2017 và là mức giảm lớn nhất trong 2 năm qua./.