Trung Quốc: Phát minh mới giúp xác định nguồn gây ô nhiễm không khí

Nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã phát triển một thiết bị theo dõi có thể gắn lên các phương tiện giao thông nhằm truy tìm các nguồn phát thải nhóm chất gây ô nhiễm không khí theo thời gian thực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) vừa phát triển một thiết bị khối phổ kế di động nhằm theo dõi các nguồn gây ô nhiễm.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmetal Pollution, nhóm các chất gây ô nhiễm không khí (VOC) là một thành phần cơ bản trong tầng ozone cũng như bụi mịn PM2.5.

Do đó, việc tìm ra những nguồn phát thải nhóm chất này đóng vai trò quan trọng đối với các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Tại các thành phố, sự phân bố và thời gian phát thải VOC là tương đối phức tạp, nên việc truy tìm những nguồn gây ô nhiễm bằng các công cụ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm truyền thống hoặc các cảm biến di động thường gặp nhiều khó khăn.

[Ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc giảm rõ rệt trong mùa dịch bệnh]

Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học vật lý Hợp Phì trực thuộc CAS đã phát triển một thiết bị theo dõi kết hợp giữa công nghệ khối phổ phản ứng dịch chuyển proton và hệ thống thông tin địa lý (GIS).

Thiết bị này có thể gắn lên các phương tiện giao thông nhằm truy tìm các nguồn phát thải VOC theo thời gian thực. 

Thiết bị sẽ gửi dữ liệu liên quan đến nhóm chất VOC và thông tin vị trí của phương tiện về phần mềm GIS.

Khi phương tiện di chuyển, dữ liệu này sẽ phản ánh sự phân bố của VOC trong không khí theo thời gian thực và giúp tìm ra các nguồn phát thải nhóm chất này một cách chính xác.

Cho đến nay, nhiều địa phương như thành phố Thượng Hải, tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Phúc Kiến đã đưa vào sử dụng thiết bị này nhằm ngăn chặn và kiểm soát các chất gây ô nhiễm không khí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục