Trung Quốc phát hiện phế tích 1 thành phố cổ đại

Trung Quốc vừa phát hiện phế tích của một thành phố cổ đại được cho là xuất hiện vào khoảng từ năm 440 đến 500 sau Công nguyên.
Mạng tin Trung Quốc www.iyaxin.com ngày 8/6 cho biết, phế tích của một thành phố cổ đại vừa được phát hiện ở khu vực Lop Nur thuộc Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ của nước này.

Lu Houyuan và Xia Xuncheng, hai nhà nghiên cứu danh tiếng về nền văn minh cổ đại huyền thoại Loulan, đã nhận xét thành phố cổ đại trên gần như chắc chắn chính là Zhubin vốn được đề cập trong các tư liệu lịch sử.

Họ tạm đặt tên thành phố mới được tìm thấy này là “Thành phố sông Zhubin cổ đại” vì vẫn còn cần nhiều khai quật và nghiên cứu để xác định danh tính thực sự của nó.

Phế tích trên được phát hiện ở vị trí cách 6,3km so với một địa điểm khảo cổ khác là Khu lăng mộ Xiaohe.

Theo các nhà khảo cổ, phế tích thành phố này nhỏ hơn thành phố cổ đại Loulan, được tìm thấy năm 1901 và được coi là “Pompeii” (thành bang cổ đại nổi tiếng thời Đế chế La Mã) của sa mạc.

Cả Loulan và Zhubin được cho là xuất hiện vào khoảng từ năm 440 đến 500 sau Công nguyên.

“Shuijingzhu,” một sách cổ về các hệ thống sông hồ Trung Quốc là tài liệu đầu tiên đề cập đến sự tồn tại của thành phố Zhubin.

Theo các nhà khảo cổ, vai trò của thành phố này trong nền văn minh cổ đại Loulan còn cần nghiên cứu nhiều hơn. Tuy nhiên, chắc chắn nó rất quan trọng ở thời ấy bởi vị trí nằm gần một cảng trung chuyển của con đường tơ lụa huyền thoại./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục