Trung Quốc phát hiện nơi cư trú của con người thời kỳ đồ đá mới

Nhiều đồ gốm và công cụ bằng đá đã được khai quật tại di tích Nanpanshi nằm ở huyện Lâm Thành, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc cùng với nền nhà, lăng mộ, nơi chôn bình đựng tro cốt và hố tro cốt.
Di tích Nanpanshi ở huyện Lâm Thành, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một địa điểm là nơi cư trú của con người thời kỳ đồ đá mới, có niên đại khoảng 6.000 năm, đã được tìm thấy ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc.

Phát hiện này cung cấp bằng chứng mới cho các nhà khảo cổ học hiểu sâu hơn về sự phát triển văn hóa và những thay đổi trong giai đoạn đầu thời kỳ đồ đá mới ở nước này.

Di tích Nanpanshi nằm ở huyện Lâm Thành. Cuộc khai quật bắt đầu vào tháng 8/2024.

Các nhà khảo cổ học từ Đại học Sư phạm Hà Bắc, Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Bắc, cùng với cơ quan chức năng địa phương phụ trách bảo vệ di tích văn hóa, đã khai quật khoảng 300m2 của địa điểm này.

Công tác thực địa dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 10.

Nghiên cứu sinh He Xiangdong, tại Khoa Lịch sử và văn hóa, thuộc Đại học Sư phạm Hà Bắc, cho biết nhiều đồ gốm và công cụ bằng đá đã được khai quật từ địa điểm này, cùng với nền nhà, lăng mộ, nơi chôn bình đựng tro cốt và hố tro cốt.

Chuyên gia Suo Lixia, của cơ quan quản lý và bảo vệ di tích văn hóa Lâm Thành, giải thích trong thời kỳ đồ đá mới, người ta dùng bình đựng tro cốt để chôn cất trẻ em chết khi còn nhỏ, thi thể được đặt trong các bình gốm có nắp đậy và chôn gần nhà hoặc trong nhà.

Chuyên gia Liu Zhenhua, một viên chức phụ trách văn hóa và du lịch tại huyện Lâm Thành, cho biết: "Những di tích này có thể cung cấp thông tin chi tiết về điều kiện sống và năng suất của người dân thời đó."

Theo chuyên gia này, cơ quan chức năng đang có kế hoạch phát triển một công viên di tích khảo cổ tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục