Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã tìm thấy hơn 300 ngôi mộ có niên đại khoảng 4.500 năm ở tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này.
Các ngôi mộ này được cho là có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu hoạt động an táng và cấu trúc xã hội của thời tiền sử Trung Quốc.
Theo Viện Khảo cổ học thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, quần thể lăng mộ trên nằm trong một khu di tích ở thành phố này và có diện tích khoảng 15.000m2, tất cả các ngôi mộ đều là hố đất hình chữ nhật.
Người đứng đầu hoạt động khai quật trên cho biết quần thể lăng mộ này rất lớn và có thể tồn tại từ thời kỳ chuyển tiếp giữa Văn hóa Ngưỡng Thiều và Văn hóa Long Sơn, điều hiếm thấy ở vùng Trung Nguyên được biến đến là khu vực đồng bằng miền Trung.
[Trung Quốc phát hiện 4 ngôi mộ cổ có niên đại hơn 2.000 năm]
Đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được 9 ngôi mộ và 10 bộ hài cốt đã được tìm thấy trong các ngôi mộ. Cuộc khai quật sơ bộ cho thấy quần thể lăng mộ có thể tồn tại từ giai đoạn đầu của Văn hóa Long Sơn.
Các nhà khảo cổ cho rằng việc phát hiện quần thể lăng mộ có giá trị học thuật lớn, đồng thời cho biết thêm rằng có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về hoạt động an táng trong thời kỳ này, và cung cấp thông tin quan trọng cho nghiên cứu về Văn hóa Long Sơn.
Khu di tích thuộc thành phố Lạc Dương nói trên có diện tích hơn 600.000 m2. Viện Khảo cổ học thành phố Lạc Dương đã tiến hành khai quật khu di tích này vào đầu năm 2021 và hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện./.