Trung Quốc phản ứng việc HĐBA không triệu tập cuộc họp về Ukraine

Trung Quốc đã ra tuyên bố "lấy làm tiếc" vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bác bỏ đề xuất của Nga về việc triệu tập một cuộc họp thảo luận về luật ngôn ngữ của Ukraine.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an ở New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bác bỏ đề xuất của Nga về việc triệu tập một cuộc họp thảo luận về luật ngôn ngữ của Ukraine được ban hành mới đây.

Trong một phản ứng đầu tiên, Trung Quốc đã ra tuyên bố "lấy làm tiếc" vì quyết định này.

Đề nghị của Nga không nhận được chín phiếu ủng hộ cần thiết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để có thể tiến hành họp. Có năm nước ủy viên ủng hộ kế hoạch tổ chức họp, sáu nước khác phản đối và bốn nước còn lại bỏ phiếu trắng.

Phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Mã Triều Húc tuyên bố Bắc Kinh lấy làm tiếc về cuộc họp đã không thể diễn ra như kế hoạch.

Ông bày tỏ hy vọng tất cả 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an sẽ tôn trọng lẫn nhau, duy trì sự đoàn kết và thực hiện một cách hiệu quả nghĩa vụ của Hội đồng Bảo an trong việc duy trì an ninh và hòa bình quốc tế.

Ông Mã Triều Húc khẳng định Trung Quốc luôn duy trì lập trường khách quan và công bằng trong vấn đề Ukraine, đồng thời tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, trong đó có Ukraine. Theo ông, các bên liên quan cần tập trung giải quyết các vấn đề thông qua giải pháp chính trị, chủ động tìm kiếm một giải pháp toàn diện, cân bằng và triệt để trong vấn đề Ukraine.

[Ukraine: Thông qua dự luật cấp quy chế đặc biệt cho tiếng Ukraine]

Quan chức ngoại giao Trung Quốc tại Liên hợp quốc khẳng định Bắc Kinh ủng hộ các bên liên quan sớm thu hẹp bất đồng và đạt được giải pháp cuối cùng chấp nhận được cho tất cả thông qua đối thoại và thương lượng trên cơ sở có tính tới những quan ngại hợp pháp của các khu vực và sắc tộc tại Ukraine.

Bắc Kinh tin tưởng Hội đồng Bảo an cần đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tạo dựng một môi trường thuận lợi thúc đẩy tiến trình hòa bình, ổn định và phát triển tại Ukraine.

Luật "Đảm bảo ngôn ngữ Ukraine là quốc ngữ" đã được Tổng thống mãn nhiệm Petro Poroshenko ký ban hành ngày 15/5, tức năm ngày trước khi Tổng thống đắc cử Volodymyr Zelenskiy tuyên thệ nhậm chức. Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an triệu tập cuộc họp về vấn đề này với cáo buộc luật đi ngược lại các thỏa thuận Minsk./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục