Trung Quốc: PBOC lần đầu 'bơm tiền mặt' vào hệ thống ngân hàng sau nhiều tháng

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) nêu rõ họ đã "bơm" 234,6 tỷ nhân dân tệ (33,29 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động thị trường mở.

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images/ TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images/ TTXVN)

Ngày 23/9, lần đầu tiên trong nhiều tháng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) bắt đầu cung ứng tiền mặt cho hệ thống ngân hàng trong 14 ngày với mức lãi suất ưu đãi hơn.

Trong tuyên bố, PBOC nêu rõ họ đã "bơm" 234,6 tỷ nhân dân tệ (33,29 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động thị trường mở. Động thái này xuất phát từ mong muốn duy trì thanh khoản cuối quý trong hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý.

Đợt "bơm tiền" trên diễn ra trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/10 tới. Việc cắt giảm lãi suất sẽ điều chỉnh lãi suất reverse repo (lãi suất mua lại đảo ngược) kỳ hạn 14 ngày theo lãi suất reverse repo kỳ hạn 7 ngày vốn đã được cắt giảm vào tháng 7 năm nay.

Cùng chung quan điểm với nhiều nhà phân tích, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của công ty quản lý quỹ đầu cơ Pinpoint Asset Management tại Trung Quốc, ông Zhang Zhiwei nhận định mức cắt giảm lãi suất nói trên không phản ánh dấu hiệu cho thấy PBOC đang tiếp tục nới lỏng thêm các chính sách tiền tệ. Dù vậy, chuyên gia này kỳ vọng PBOC sẽ cắt giảm lãi suất reverse repo kỳ hạn 7 ngày cũng như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong những tháng tới.

Cùng ngày, PBOC cũng đã thực hiện thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày trị giá 160,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 22,7 tỷ USD) với lãi suất 1,7% và thỏa thuận tương tự kỳ hạn 14 ngày với tổng trị giá 74,5 tỷ nhân dân tệ với lãi suất 1,85%, thấp hơn so với lãi suất 1,95% trước đây.

Mua lại đảo ngược là một quá trình mà trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu kèm thỏa thuận sẽ bán số chứng khoán này trong tương lai.

Trung Quốc thường sử dụng các hợp đồng mua lại kỳ hạn 14 ngày nhằm giúp hệ thống ngân hàng vượt qua các kỳ nghỉ lễ dài. Lần gần nhất họ làm như vậy là trước kỳ nghỉ Xuân hồi tháng 2 năm nay.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một mặt đang chật vật ứng phó với áp lực giảm phát, một mặt đang nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có việc triển khai hàng loạt biện pháp nhằm kích cầu chi tiêu nội địa.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ đẩy nhanh động thái nới lỏng tiền tệ sau khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng bằng một đợt cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục