Trung Quốc nói muốn "tham vấn thân thiện" về đánh cá ở Biển Đông

Theo báo chí Philippines, Trung Quốc nói rằng họ sẽ tiến hành "hiệp thương hữu nghị" với các nước láng giềng để tránh đối đầu trong các hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông
Các tàu đánh cá của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Báo Philippines Daily Inquirer ngày 11/4 đưa tin, Trung Quốc nói rằng họ sẽ tiến hành "hiệp thương hữu nghị" với các nước láng giềng để tránh đối đầu trong các hoạt động đánh bắt cá ở những nơi có tranh chấp trên Biển Đông, nhưng Manila khẳng định sẽ chờ phán quyết của tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền biển của Bắc Kinh.

Philippines hiện đang chờ đợi phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan), có thể sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, sau khi Philippines nộp đơn khiếu nại về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông.

Vụ khiếu nại của Philippines nêu ra một số vấn đề, kể cả hoạt động đánh bắt cá ở vùng mà nước này gọi là Biển Tây Philippines, trong đó có việc Trung Quốc đã không làm theo luật và không ngăn chặn các công dân và tàu của nước này khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Trung Quốc còn ngăn cản bất hợp pháp các ngư dân Philippines kiếm sống thông qua can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn có tranh chấp Scarborough, mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham.

Trong động thái mới nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng sự đối đầu giữa các ngư dân Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Đài Loan có thể tránh được thông qua "hiệp thương hữu nghị."

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục Khảng tuyên bố: "Hợp tác nghề cá là một phần quan trọng trong sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có các nước ven Biển Đông."

Văn bản ghi lại nội dung cuộc họp báo đã được đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Lục Khảng nói chính phủ Trung Quốc coi trọng việc quản lý nghề cá và chỉ đạo ngư dân Trung Quốc tiến hành hoạt động khai thác phù hợp với luật pháp và các quy định.

Tuy nhiên, kể từ năm 2012, Việt Nam và Philippines đã ghi nhận nhiều trường hợp gây hấn của các tàu Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục