Ngày 17/2, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) ở mức 10 điểm cơ bản xuống còn 3,15%.
Mặc dù không có hợp đồng nào đáo hạn trong ngày 17/2, song Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã bơm 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 28,66 tỷ USD) vào thị trường qua MLF.
Trung Quốc áp dụng MLF từ năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng chính sách và thương mại duy trì thanh khoản bằng cách cho phép các ngân hàng này vay tiền từ PBoC và sử dụng cổ phiếu làm thế chấp.
Ngoài ra, PBoC còn bơm 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14,33 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua thỏa các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) thời hạn 7 ngày, với mức lãi suất 2,4%.
[Dịch COVID-19: Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng thấp nhất]
Theo PBoC, động thái này nhằm duy trì mức thanh khoản phù hợp trong hệ thống ngân hàng.
Các động thái trên của Chính phủ Trung Quốc được cho là nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp, theo đó mở đường cho việc giảm Lãi suất cho vay cơ bản (LPR), giúp giảm chi phí cho vay và nới lỏng tài chính đối với các công ty đang bị thiệt hại do dịch bệnh.
Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm nhờ các biện pháp tích cực của chính phủ.
Chốt phiên giao dịch sáng 17/2, chỉ số CSI300 đã tăng 1,2% lên 4.036,38 điểm; chỉ số Tổng hợp Thượng Hải tăng 1,3% lên 2.955,07 điểm.
Tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng đã tăng 0,5% lên 27.940,81 điểm, trong khi chỉ số doanh nghiệp Hong Kong Trung Quốc tăng 0,7% lên 10.935,35 điểm.
Tuần trước, Trung Quốc đã nới lỏng quy định tái cấp vốn cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nhằm giúp các công ty chống dịch bệnh và nối lại hoạt động sản xuất.
Theo quy định mới, yêu cầu về lợi nhuận để các công ty tư nhân niêm yết trên sàn chứng khoán ChiNext tại Thâm Quyến (Shenzen) sẽ bị xóa bỏ.
Ngoài ra, các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán ChiNext đang thu hút vốn từ việc bán cổ phiếu sẽ không cần đáp ứng một số tiêu chuẩn về các chỉ số đòn bẩy tài chính./.