Ngay sau khi Trung Quốc công bố dự thảo cho phép đồng Nhân dân tệ (NDT) được chuyển đổi hoàn toàn trong Khu vực thương mại tự do Thượng Hải (FTZ), một nghiên cứu công bố mới đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy đồng NDT hiện là một trong 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới.
Trong khi đó, với mục tiêu đưa đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, Trung Quốc đã thành lập bốn trung tâm giao dịch đồng NDT trong gần 10 năm qua trên thế giới.
Theo báo The Diplomat, cả hai sự kiện trên cho thấy một chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc là vừa hướng tới quốc tế hóa NDT vừa củng cố vị thế của đồng tiền này trên thị trường tài chính toàn cầu.
Các nhà phân tích nhận định, đối với một đồng tiền vẫn còn chịu sự kiểm soát nhiều của nhà nước và chỉ đem đến một ít phương án đầu tư cho những người nắm giữ, điều đáng ngạc nhiên là đồng NDT vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức cũng như quan chức chính phủ trên toàn cầu.
Hiện London, Luxembourg, Paris, Frankfurt và Zurich đều đang xây dựng hình ảnh của họ như là một trung tâm giao dịch lý tưởng cho đồng NDT ở châu Âu.
Trong khi đó, những đối thủ cạnh tranh nhau trong vấn đề này tại châu Á là Đặc khu hành chính Hong Kong, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan, và Sydney. Câu hỏi ở đây là tại sao đồng NDT lại có sức hấp dẫn như vậy?
Chiến lược của Trung Quốc
Đầu năm 2004, Trung Quốc nỗ lực đưa Hong Kong thành một trung tâm giao dịch đồng NDT ở bên ngoài, khi chỉ định Bank of China Hong Kong là ngân hàng được thanh toán đồng nội tệ của nước này.
Sau đó, London tiếp bước vào năm 2009, Singapore năm nay đã trở thành trung tâm giao dịch đồng NDT thứ ba, khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) được chỉ định giao dịch bằng đồng NDT tại quốc gia này.
Các kế hoạch nhằm tự do hóa việc kiểm soát đồng NDT trong FTZ mới đây cho thấy Thượng Hải sẽ là thành phố thứ tư hỗ trợ tiến trình quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng với các trung tâm giao dịch tài chính-tiền tệ hàng đầu khu vực và trên toàn cầu như London, Singapore, Hong Kong và Thượng Hải, Trung Quốc tích cực thâm nhập vào các thị trường tài chính toàn cầu, khuyến khích việc giao dịch và sử dụng đồng NDT.
Trong khi đó, theo báo The Economist, tổng giá trị của đồng NDT trong các giao dịch thanh toán thương mại quốc tế trong năm 2012 đã tăng thêm 900 tỷ NDT (145 tỷ USD), so với mức không đáng kể ba năm trước.
Chuyên gia kinh tế Yaroslav Lissovolik của ngân hàng Deutsche Russia nói, những bất ổn về tài chính trong Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Mỹ trong những năm gần đây đã mở ra xu hướng đa dạng hóa các loại tiền tệ dự trữ toàn cầu và đây là cơ hội cho đồng NDT.
Thúc đẩy việc tích cực sử dụng đồng NDT trong giao dịch ở nhiều quốc gia khác dường như là một phần chiến lược có tính toán của Trung Quốc để phổ biến đồng NDT trên toàn cầu.
Theo ông Liu Ligang, nhà kinh tế làm việc cho ngân hàng ANZ, đây là một sáng kiến chính sách của Trung Quốc để mở rộng hoạt động mua bán bằng đồng NDT ở các trung tâm tài chính khác, thay vì tập trung vào Hong Kong.
Trong tháng Chín vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã kiến lập một cơ chế hoán đổi tiền tệ trị giá 350 tỷ NDT (57,5 tỷ USD) với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cấp một hạn mức tín dụng lên tới 80 tỷ NDT cho London để đầu tư vào các tài sản bằng NDT ở các thị trường Trung Quốc.
Sau đó, PBoC cũng cấp một hạn mức tín dụng tương tự trị giá 50 tỷ NDT cho Singapore.
Trung Quốc đã ký các thoả thuận với Nga, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, theo đó cho phép thanh toán thương mại bằng đồng NDT.
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng một đồng NDT mạnh hơn là mục tiêu chính của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu của nước này hướng sang tập trung vào thị trường tiêu dùng trong nước.
Đồng NDT đã tăng khoảng 2% trong năm 2013, trái ngược với sự giảm giá của các đồng tiền khác của châu Á, và tăng hơn 35% kể từ khi nước này định giá lại đồng nội tệ vào năm 2005.
Trong khi đó, PBoC mới đây tái khẳng định với các những thương nhân tham gia giao dịch trên thị trường tiền tệ rằng quyết định tăng lãi suất trong ngắn hạn của cơ quan này không báo hiệu một sự thắt chặt mạnh mẽ lượng tiền lưu thông của Trung Quốc, nhằm tránh nguy cơ lặp lại sự khủng hoảng tín dụng đã làm chấn động các thị trường trong tháng 6/2013.
Lãi suất ngắn hạn của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh trong tuần qua, đã đẩy các ngân hàng vào cảnh thiếu vốn trong bối cảnh PBoC tiếp tục từ chối bơm thêm tiền mặt.
Theo PBoC, tính thanh khoản của thị trường vẫn mạnh và cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện các nghiệp vụ tiền tệ ngắn hạn để duy trì nguồn cung tiền ổn định trong năm 2013.
PBoC có vẻ đã nhấn mạnh cam kết cải cách hệ thống tiền tệ bằng cách cho phép đồng NDT tăng lên các mức cao kỷ lục so với USD trong thời gian gần đây, mặc dù hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Chín vừa qua đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2012.
Quy mô giao dịch vẫn chưa lớn
Là trung tâm giao dịch đồng NDT hàng đầu bên ngoài Trung Quốc hiện nay, Hong Kong đã chứng kiến một sự gia tăng khá mạnh lượng tiền gửi bằng đồng NDT khi nước này lần đầu tiên cho phép đồng NDT vươn ra nước ngoài.
Tỷ lệ dự trữ bằng đồng NDT đã tăng vọt từ mức 1% tổng lượng tiền gửi ở Hong Kong vào cuối năm 2009 lên 10% vào giữa năm 2011. Tuy vậy, kể từ đó, những hạn chế đối với phạm vi giao dịch đồng NDT đã khiến tỷ lệ này chững lại, và lượng tiền NDT ở Hong Kong gần như "án binh bất động" ở mức khoảng 10% trong hai năm qua.
Tại những trung tâm quốc tế được coi là địa điểm giao dịch bằng đồng NDT khác, mức tăng trưởng các khoản tiền gửi, phát hành trái phiếu và nghiệp vụ phái sinh đã xuất hiện nhiều nhưng luôn được thực hiện với quy mô nhỏ.
Những số liệu thống kê cho thấy đồng NDT chiếm chỉ khoảng 5% lượng tiền gửi ngân hàng ở Singapore, hơn 1% một chút ở vùng lãnh thổ Đài Loan và rất khiêm tốn 0,4% ở London.
Nhà kinh tế Zhang Ming của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng có thể có một sự cạnh tranh tiền tệ đang diễn ra, với việc Mỹ lo ngại về khả năng đồng NDT trong tương lai sẽ thay thế USD như đồng tiền dự trữ quốc tế.
Tuy vậy, với việc Trung Quốc "hết ngày này qua tháng khác" thuyết phục các thị trường phát triển hơn tham gia vào lộ trình phổ biến đồng NDT, nhiều nhà phân tích nghĩ rằng vấn đề bây giờ chỉ là thời gian.
Theo ông Zhang Ming, một khi đồng NDT trở nên phổ biến hơn ở các trung tâm tài chính khác, New York - trung tâm tài chính hàng đầu của Mỹ cũng như thế giới mà hiện đang đứng ngoài cuộc - không sớm thì muộn cũng sẽ quan tâm đến quá trình quốc tế hoá đồng NDT.
Giám đốc điều hành quỹ quản lý ICBC Asia Asset, Jack Chang, cho rằng các trung tâm tài chính toàn cầu sẽ không nhận thấy có sự cạnh tranh lẫn nhau, khi bất kỳ sự nới lỏng các quy định kiểm soát vốn của Trung Quốc sẽ chỉ diễn ra một khi tổng khối lượng đồng NDT giao dịch trên toàn cầu đạt được một quy mô nào đó.
Theo ông, cần có nhiều trung tâm giao dịch quốc tế cùng hoạt động để tích luỹ và nâng cao khối lượng đồng NDT giao dịch bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy vậy, trước khi Trung Quốc tự do hoá đồng NDT bằng cách nới lỏng các quy định kiểm soát vốn, dường như không thể tránh khỏi việc các trung tâm tài chính này sẽ tiếp tục chạy đua để giành thị phần lớn hơn trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Trung Quốc.
Trước xu hướng trên, một nhà ngoại giao cao cấp của châu Âu đang làm việc ở Bắc Kinh ngạc nhiên về động thái mới đây của Vương quốc Anh nhằm khuyến khích các ngân hàng Trung Quốc mở rộng hoạt động tại thị trường London bằng cách nới lỏng các quy định về vốn.
Ông cho rằng việc Trung Quốc dỡ bỏ những quy định kiểm soát vốn mới chính là giải pháp tốt nhất mà các thị trường đang chờ đợi./.