Trung Quốc nhượng bộ Mỹ để đổi lấy không gian cải cách?

Theo một cố vấn lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh đang ở thời khắc quan trọng của vòng mở cửa mới nên Trung Quốc cần nhượng bộ Mỹ, lấy thời gian đổi không gian, kéo dài thời kỳ cơ hội chiến lược.
Trung Quốc nhượng bộ Mỹ để đổi lấy không gian cải cách? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: South China Morning Post)

Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20, quan chức Nhà Trắng lần lượt xuất hiện và tiết lộ một số thông tin liên quan, cho thấy Bắc Kinh đã có những nhượng bộ lớn. Tại sao vậy?

Tờ Economic Journal ngày 5/12 cho rằng Mỹ-Trung chỉ mới tạm thời ngừng leo thang chiến tranh thương mại và điều đó không có nghĩa đàm phán tương lai sẽ hanh thông, không gặp trắc trở gì.

Trong 90 ngày “đình chiến” cần phải xem Trung Quốc có thể nhượng bộ bao nhiêu. Trên thực tế, sức mạnh chính trị của phe cứng rắn chống Trung Quốc ở Mỹ không ngừng tăng lên.

Bên cạnh đó, hiện nay cả chính quyền lẫn phe đối lập ở Mỹ đều e ngại sức ảnh hưởng tương lai của một Trung Quốc trỗi dậy. Cho nên, dù xuất phát từ tính toán chính trị, Donald Trump muốn tạm thời giảm mức độ chiến tranh thương mại, nhưng quan hệ Mỹ-Trung e rằng vẫn gập ghềnh, khúc khuỷu.

Theo báo trên, việc Trung Quốc lần này có nhượng bộ lớn phản ánh tư duy của giới lãnh đạo tối cao nước này, muốn giữ vững nguyên tắc “không đối kháng” trong đấu tranh với Mỹ, tránh bị phe cứng rắn ở Mỹ cuốn vào “vũng bùn” Chiến tranh Lạnh.

Nói một cách cụ thể, ngoài việc tránh Mỹ tiếp tục tăng thuế trừng phạt trong thời gian ngắn, đối với Trung Quốc, quan trọng hơn là tránh bị Mỹ trừng phạt trên các lĩnh vực khác như công nghệ, nhân tài, giáo dục…, giúp quan hệ Trung-Mỹ có thể khôi phục ở một chừng mực nhất định.

Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát, ở Trung Quốc đã nổ ra tranh luận kịch liệt, bao gồm trong giới trí thức, phân thành 3 phái “chủ chiến”, “chủ hòa” và “đầu hàng.”

Trong bối cảnh cuộc tranh luận này chưa đạt được nhận thức chung, thái độ của giới lãnh đạo tối cao Trung Quốc về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có sự lung lay nhất định.

Tuy nhiên, sách lược của Bắc Kinh trong gần hai tháng lại đây cơ bản là “dĩ hòa vi quý”, nhượng bộ Mỹ để đổi lấy thời kỳ cơ hội chiến lược.

[Mỹ-Trung đã “ngừng bắn” song dường như khó “ngừng chiến”]

Giống như giáo sư Hồ Tinh Đấu thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh từng nói, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này dường như là cơ hội cuối cùng để giải quyết mâu thuẫn ngày một trầm trọng trong quan hệ hai nước, cho nên đã nhận được sự coi trọng cao độ của phía Trung Quốc.

Hơn nữa, quan hệ Trung-Mỹ liên quan tới vấn đề cải cách mở cửa của Trung Quốc. Nếu quan hệ Trung-Mỹ không ngừng xấu đi sẽ thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong nước cũng như sự ra đời thêm của nhiều chính sách “tự lực cánh sinh,” cuối cùng đẩy Trung Quốc vào cảnh bế quan tỏa cảng, khiến công cuộc cải cách mở cửa bị thụt lùi.

Theo một cố vấn cho lãnh đạo Trung ương của Trung Quốc, Bắc Kinh đang ở thời khắc quan trọng của vòng mở cửa mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Khủng hoảng tài chính quốc tế 10 năm trước là thời kỳ cơ hội chiến lược vàng để Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh.

Nhưng hiện nay đã tới lúc phải xử lý các nhân tố tiêu cực (từ gói kích thích kinh tế đưa ra nhằm xử lý khủng hoảng tài chính quốc tế) như đòn bẩy tài chính cao, dư thừa sản lượng… để đề phòng rủi ro. Cho nên, Trung Quốc cần phải lấy thời gian đổi không gian, kéo dài thời kỳ cơ hội chiến lược mới để phát triển trong 10 năm nữa hoặc lâu hơn.

Trên thực tế, năm nay Trung Quốc kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa, một số trào lưu tư tưởng cực tả bắt đầu xuất hiện khiến dư luận thêm nghi ngờ con đường tương lai của Trung Quốc.

Do vậy, nhân xung đột thương mại Trung-Mỹ bùng nổ, thành quả đàm phán trên phương diện chính sách kinh tế thương mại có thể giúp Trung Quốc kiểm thảo sự can dự của mình vào kinh tế, tăng cường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, khôi phục sức sống của nền kinh tế trong bối cảnh cắt giảm trợ cấp và rào cản thương mại, khiến Trung Quốc thực sự phát triển theo hướng kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện chưa hoàn thiện về mặt lập pháp liên quan tới bản quyền tri thức.

Ngoài lập pháp, Trung Quốc còn phải tăng cường năng lực chấp pháp, mức độ trừng phạt. Nếu vấn đề bản quyền tri thức được giải quyết ổn thỏa, có thể tạo thuận lợi cho Trung Quốc trong việc thúc đẩy phát triển sáng tạo.

Cho nên, va chạm Mỹ-Trung trong tương lai có thể tiếp tục gây ra hiệu ứng tiêu cực. Nhưng nếu có thể nắm chắc cơ hội thời gian này, tranh thủ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và mở cửa kinh tế, về đối nội, Trung Quốc sẽ phá vỡ trở ngại đối với cải cách, đưa kinh tế phát triển lên tầm cao mới.

Về đối ngoại, Trung Quốc có thêm thực lực để chống lại sự o ép và phong tỏa của bá quyền bên ngoài đối với nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục