Ngày 4/3, các đại diện Nga và Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã hối thúc Iran chấp nhận đề xuất trao đổi nhiên liệu hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Hành động này nhằm xoa dịu những quan ngại về chương trình nguyên tử của nước này, trong khi các phái viên của Mỹ, Anh và Pháp cho rằng đã đến lúc có những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho rằng vấn đề hạt nhân của Iran có thể giải quyết thông qua đối thoại và phối hợp hành động với Iran.
Ông Churkin cũng yêu cầu Iran chấp nhận đề xuất của IAEA, theo đó Tehran có thể được đảm bảo về nhiên liệu hạt nhân cho lò phản ứng nghiên cứu phục vụ mục đích y học.
Trong khi đó, Phó Đại sứ Trung quốc tại Liên hợp quốc Lưu Chấn Dân cho rằng trừng phạt không thể giải tỏa những quan ngại về vấn đề hạt nhân của Iran và coi các cuộc đàm phán ngoại giao là cách tốt nhất.
Trung Quốc cũng yêu cầu Iran và các cường quốc phương Tây nỗ lực hơn nữa để tìm ra giải pháp cho vấn đề trên. Ông Lưu Chấn Dân khẳng định Trung Quốc cam kết theo đuổi chiến lược phối hợp đối thoại với trừng phạt để thuyết phục Iran hợp tác.
Trong khi đó, Đại diện thường trực của Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Ali Asghar Soltanieh ngày 4/3 tuyên bố Tehran sẽ từ bỏ việc trao đổi urani đã làm giàu ở cấp thấp của nước này với nước ngoài nếu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới.
Ông Soltanieh nêu rõ đề xuất của Iran về trao đổi urani đã làm giàu ở cấp thấp để nhận nhiên liệu làm giàu 20% từ nước ngoài vẫn còn "đang trên bàn" đàm phán, nhưng có vẻ như điều này không diễn ra.
Việc tăng cường các hình phạt có thể sẽ khiến Iran từ bỏ ý định trên, đồng thời nhấn mạnh mọi sự thay đổi có thể làm hại đến sự hợp tác sẽ làm cho Tehran phải rút lại đề xuất của mình.
Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice ngày 4/3 bác bỏ tin nói rằng Mỹ đã chuyển một dự thảo nghị quyết trừng phạt Iran cho các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phát biểu với các phóng viên sau một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an về Sudan và Iran, bà Rice nói: "Hiện tại, chúng tôi chưa lưu hành văn bản dự thảo của nghị quyết cho các đồng nghiệp ở Hội đồng Bảo an."
Bà nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận xây dựng với các đối tác trong nhóm P5+1, những nước đã nhất trí rằng chúng tôi có chung mục tiêu quan trọng là không cho phép Iran có khả năng vũ khí hạt nhân"./.