Theo trang mạng tagesspiegel.de, Trung Quốc cung cấp các khoản tín dụng cho việc xây dựng các công trình như cảng biển, đường sá và cầu cống trên khắp thế giới. Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của quốc gia này lớn cỡ nào.
Các nhà máy điện ở Pakistan, các tuyến đường sắt ở Hungary, cảng biển ở Namibia cho thấy Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp thế giới thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của nước này đã và đang được triển khai tại 140 quốc gia. Đặc biệt, Bắc Kinh cung cấp các khoản tín dụng hào phóng cho các nước đang phát triển. Nếu không có các khoản vay từ Trung Quốc, các quốc gia này sẽ không thể xây dựng các dự án lớn như đường sá, cầu cống hoặc bến cảng.
Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân vì sao các nước ký kết các hợp đồng tín dụng mà trong đó có những điều khoản dành cho Bắc Kinh quyền quyết định lớn như vậy.
Giờ đây, lần đầu tiên một nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế đã chỉ ra độ lớn đó, thông qua việc thu thập và đánh giá 142 hợp đồng tín dụng của các nước với Trung Quốc.
Nghiên cứu chỉ ra rằng Trung Quốc hết sức coi trọng vấn đề bảo mật trong các hợp đồng tín dụng. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy "các điều khoản bảo mật mở rộng bất thường" trong các hợp đồng này.
Thậm chí một số trường hợp, các nước nhận khoản vay còn không được phép tiết lộ sự tồn tại của các hợp đồng tín dụng với Trung Quốc. Qua từng năm, yêu cầu này ngày càng trở nên khắt khe hơn.
[Những lầm tưởng về đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi]
Những hợp đồng như vậy gây ra hậu quả đối với người dân - những người vẫn ngày ngày phải đóng thuế, vì rất có thể chính họ sẽ là người đóng tiền để hoàn trả các khoản vay như vậy, mặc dù họ thậm chí không biết rằng chúng tồn tại.
Đối với các nhà đầu tư, việc các hợp đồng tín dụng được giữ bí mật nghiêm ngặt cũng là một vấn đề. Chẳng hạn khi các nhà đầu tư mua trái phiếu của các chính phủ (lúc này họ cũng là người cho vay), nếu họ không nắm được thông tin về các khoản vay mà các quốc gia này đã ký với Bắc Kinh, rất có thể họ sẽ đánh giá sai về mức độ tín nhiệm tài chính của các quốc gia này, dẫn đến những sai lầm trong đầu tư.
Trung Quốc luôn yêu cầu sự an toàn cao
Các nhà nghiên cứu làm việc rất tỉ mỉ. Họ tìm thấy những điều họ cần, ví dụ trên các trang web của các chính phủ vay nợ, theo đó các hợp đồng "rõ ràng không được công khai trước công chúng."
Các thông tin về những yêu cầu hết sức ngặt nghèo mà Trung Quốc đặt ra cho các nước trong quá trình triển khai đại dự án "Vành đai và Con đường" đã xuất hiện từ lâu.
Một ví dụ điển hình gây xôn xao dư luận quốc tế là trường hợp Sri Lanka. Cảng biển chiến lược Hambantota của nước này được xây dựng bằng nguồn vốn từ Trung Quốc. Khi Chính phủ Sri Lanka không còn khả năng trả nợ các khoản vay nữa, họ buộc phải để Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong vòng 99 năm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đây chỉ là một lựa chọn của Bắc Kinh để tự bảo vệ mình. Nghiên cứu đã cho thấy Bắc Kinh đặc biệt chú ý đến mức độ an toàn của các khoản cho vay.
1/3 trong số các quốc gia được nghiên cứu buộc phải có lượng tài chính nhất định trong các ngân hàng hoặc tài khoản ủy thác, trong trường hợp các quốc gia này không còn khả năng trả nợ, Bắc Kinh có thể tịch thu số tiền này.
Cách làm đó giúp Trung Quốc tự bảo vệ mình trong trường hợp quốc gia đối tác rơi vào cảnh vỡ nợ. Khi đó, Bắc Kinh sẽ phải được ưu tiên trả nợ trước tất cả các chủ nợ khác.
Ngoài ra, trong một số hợp đồng tín dụng, quốc gia vay nợ sẽ không thể tái cơ cấu các khoản nợ của mình khi không có sự đồng ý của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là chỉ khi được Bắc Kinh chấp thuận, quốc gia đó mới được phép đàm phán với các chủ nợ khác về việc tái cơ cấu các khoản nợ của mình.
Trong tình hình hiện nay, đây là một vấn đề lớn với các quốc gia khó khăn về tài chính. Nhà nghiên cứu Christoph Trebesch từ Viện nghiên cứu kinh tế thế giới (IfW) của Đức cho biết: "Các quy định của Trung Quốc khiến các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính, ví dụ do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khó có thể kiểm soát được thực trạng các khoản nợ của họ... Hầu hết các hợp đồng tín dụng với Bắc Kinh đều có các điều khoản cấm các chính phủ khó khăn về tài chính phối hợp với các chủ nợ khác để cơ cấu lại các khoản vay từ Trung Quốc."
Bắc Kinh tạo ảnh hưởng qua các hợp đồng tín dụng
Việc Bắc Kinh yêu cầu giữ bí mật các hợp đồng tín dụng đã dẫn đến hậu quả cho các quốc gia phải đi vay nợ. Chuyên gia Brad Parks từ phòng nghiên cứu Aid Data của Mỹ cho biết: "Một số nước đang phát triển hiện gặp phải khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài… Các chủ nợ không đến từ Trung Quốc ngày càng miễn cưỡng đàm phán lại các điều khoản thanh toán nợ tới khi nào họ vẫn chưa biết được liệu họ có thực sự là đối tượng hàng đầu được ưu tiên thanh toán nợ hay không và chi tiết các yêu cầu của Bắc Kinh là thế nào."
Nghiên cứu cũng cho thấy cách Trung Quốc nâng tầm sức mạnh chính trị của mình thông qua các hợp đồng tín dụng. Nước này có thể hủy khoản cho vay hoặc yêu cầu trả nợ sớm hơn nếu họ "không đồng ý với các quyết sách chính trị của bên đi vay."
Ví dụ, nếu một quốc gia cắt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, thì đây sẽ được coi là một biến cố lớn và ngay lập tức các khoản vay sẽ phải được hoàn trả.
Argentina là một ví dụ cho thấy rõ ảnh hưởng của Trung Quốc trên thực tế thông qua các hợp đồng tín dụng với các điều khoản hết sức ngặt nghèo. Tại nước này, Bắc Kinh đã cung cấp 4,7 tỷ USD cho việc xây dựng hai con đập trên sông Río Santa Cruz. Đây là một dự án gây nhiều tranh cãi và Tổng thống Argentina khi đó, ông Mauricio Macri, thực sự muốn ngừng triển khai.
Nhưng Trung Quốc đã kết nối hợp đồng xây dựng các con đập với một dự án cơ sở hạ tầng khác, đó là dự án mở rộng một tuyến đường sắt quan trọng với khoản đầu tư 2 tỷ USD từ Bắc Kinh. Nếu Argentina quyết định ngừng xây dựng các con đập thì nước này cũng sẽ phải từ bỏ dự án tuyến đường sắt. Cuối cùng, Argentina cũng phải xuống nước và triển khai cả 3 dự án trên./.