Trung Quốc: Lò vi sóng, nồi cơm điện là chìa khóa phục hồi tăng trưởng kinh tế

Theo các cơ quan hoạch định chính sách Trung Quốc, lò vi sóng, máy lọc nước, máy rửa bát và nồi cơm điện sẽ được đưa vào chương trình đổi hàng gia dụng trong năm nay.  
Một nhân viên bán hàng đang giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại một cửa hàng đồ gia dụng ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Trung Quốc đã đưa thêm nhiều thiết bị gia dụng vào danh sách các sản phẩm được sử dụng trong chương trình đổi hàng tiêu dùng và sẽ trợ cấp cho các mặt hàng kỹ thuật số bổ sung trong năm nay, một nỗ lực nhằm phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong lĩnh vực gia dụng của nước này vốn đang trì trệ.

Theo một văn bản do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành hôm 8/1, lò vi sóng, máy lọc nước, máy rửa bát và nồi cơm điện sẽ được đưa vào chương trình đổi hàng gia dụng trong năm nay. Ngoài ra, điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và vòng đeo tay có giá dưới 6.000 nhân dân tệ (818 đô la) có thể được nhà nước trợ cấp giá 15%.

Tuy nhiên, văn bản trên không nêu rõ tổng chi phí cho các trợ cấp ưu đãi này. Trong khi đó, trong cuộc họp báo ngày 8/1, một quan chức của Bộ tài chính Trung Quốc thông báo Chính phủ đã phân bổ 81 tỷ nhân dân tệ cho các hoạt động đổi hàng tiêu dùng để kích thích tiêu dùng vào năm 2025.

Các biện pháp mới này là một phần trong kế hoạch rộng hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2025, nơi cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng đã làm hao mòn tài sản của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình.

Ngành tiêu dùng đang gặp khó khăn của Trung Quốc là một điểm ngẽn đặc biệt đối với nền kinh tế, khiến các nhà phân tích và cố vấn chính sách phải kêu gọi triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm thúc đẩy trở lại chi tiêu hộ gia đình.

Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit nhận định: "Chúng tôi dự kiến ​​tổng số tiền trợ cấp sẽ tăng gấp đôi lên 300 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025. Điều này đánh dấu một sự điều chỉnh chính sách theo hướng tập trung hơn vào tiêu dùng".

Tuy nhiên, việc chỉ trợ cấp hạn chế cho điện thoại và máy tính bảng, với mức dưới 500 nhân dân tệ cho mỗi mặt hàng, cho thấy Bắc Kinh không có ý định trợ cấp cho người giàu chi tiêu nhiều, chuyên gia Xu cho biết thêm.

Năm ngoái, Trung Quốc đã phân bổ khoảng 150 tỷ nhân dân tệ từ đợt phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ để trợ cấp cho việc thay thế các thiết bị gia dụng, ô tô, xe đạp và các hàng hóa cũ khác.

Các quan chức nước này cho biết chiến dịch đó "đã mang lại những hiệu ứng tích cực".

Chiến dịch đã mang lại 920 tỷ nhân dân tệ doanh số bán ô tô và 240 tỷ nhân dân tệ doanh số bán đồ gia dụng vào năm 2024. Li Gang, một quan chức của Bộ Thương mại, cho biết trong một cuộc họp báo.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư không mấy vui mừng trước văn bản thông báo của nhà nước trong ngày 8/1, khi chỉ số chứng khoán điện tử tiêu dùng của Trung Quốc giảm 3,2% vào giờ nghỉ trưa.

Một quan chức của NDRC tuần trước đã tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng mạnh nguồn tài trợ từ trái phiếu kho bạc siêu dài hạn vào năm 2025 để thúc đẩy việc nâng cấp thiết bị và chương trình đổi hàng tiêu dùng. Năm ngoái, Trung Quốc đã dành tổng cộng 300 tỷ nhân dân tệ cho các sáng kiến ​​này.

Zhao Chenxin, phó chủ tịch NDRC, cơ quan hoạch định chính sách của nhà nước, ngày 8/1 đã thông tin rằng số liệu tài trợ cho các chương trình này sẽ được công bố trong cuộc họp quốc hội thường niên vào tháng 3 tới.

Cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy tiêu dùng

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã cam kết sẽ thúc đẩy tiêu dùng "mạnh mẽ" và mở rộng nhu cầu trong nước "theo mọi hướng" trong năm 2025.

Tuần trước, hàng triệu công chức trên khắp Trung Quốc đã được tăng lương, cho thấy nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng rằng chính sách hỗ trợ nhiều hơn cũng như hiệu ứng của nó sẽ giúp tăng trưởng doanh số bán lẻ của năm 2025 so với năm 2024", đồng thời đánh giá: "Sự phục hồi tiêu dùng hộ gia đình sẽ phụ thuộc vào sự ổn định giá tài sản cũng như sự gia tăng niềm tin vào triển vọng việc làm".

Theo các tài liệu chính sách, Trung Quốc cũng sẽ tăng quỹ từ đợt phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt kỳ hạn siêu dài để hỗ trợ việc nâng cấp thiết bị trong các lĩnh vực trọng điểm.

Các thiết bị được sử dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và nông nghiệp hiện nay sẽ được đưa vào chiến dịch hỗ trợ, với phạm vi tập trung vào sản phẩm cao cấp, thông minh và xanh.

Trên cơ sở trợ cấp 1,5 điểm phần trăm cho lãi suất đối với các khoản vay chi nâng cấp thiết bị từ các ngân hàng, NDRC cho biết họ cũng sẽ sắp xếp quỹ từ trái phiếu kho bạc để tiếp tục giảm chi phí tài chính cho các công ty.

Ngân hàng trung ương cũng đã sắp xếp một cơ sở cho vay lại chi phí thấp trị giá 400 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ nâng cấp thiết bị.

Chuyên gia Song cũng khẳng định các văn bản về chính sách cho thấy các ngành công nghiệp công nghệ cao cũng như sản xuất thiết bị vận tải có khả năng được hưởng lợi, có điều kiện phát huy đà tăng trưởng vững chắc của năm ngoái./.

Vietnam+

Tin cùng chuyên mục