Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) ngày 5/2 cho biết nước này sẽ xem xét lại việc đánh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng bột khoai tây nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) vốn sắp hết hiệu lực.
Động thái này được tiến hành theo kiến nghị của Hiệp hội Công nghiệp Tinh bột Trung Quốc sau khi có những lo ngại rằng mức thuế này có thể bị dỡ bỏ và các nhà sản xuất trong nước sẽ chịu thiệt hại.
Tiến trình xem xét lại nói trên sẽ được bắt đầu từ ngày 6/2 và có thể kéo dài đến 1 năm. Trong thời gian đó, mức thuế chống bán phá giá hiện tại vẫn tiếp tục được áp dụng.
Theo quyết định ngày 5/2/2013 của MOC, tinh bột khoai tây nhập khẩu từ EU bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 12,6% đến 56,7%. Vào tháng 9 năm ngoái, MOC đã gia hạn đánh thuế chống trợ giá đối với tinh bột khoai tây nhập khẩu từ EU trong 5 năm. Tinh bột khoai tây được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm như là chất chuyển thể sữa hay làm nguyên liệu sản xuất mỳ ăn liền.
Hôm 4/2 vừa qua, MOC cũng tuyên bố tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa miến (hạt kê) nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này của MOC diễn ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt những quy định thuế quan mới nhất đối với hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù không công bố bất kỳ mức thuế mới nào đối với mặt hàng nói trên, nhưng MOC cho biết kết quả cuộc điều tra sẽ được công bố vào ngày 12/2.
Một quan chức của MOC cho biết từ năm 2013 đến nay, Chính phủ Mỹ đã và đang trợ giá cho mặt hàng kê của nước này, làm ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất kê của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm lương thực từ Mỹ như kê, đậu nành, và việc áp đặt thuế suất đối với các mặt hàng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Mỹ. Lượng kê Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc lớn hơn tới 50% lượng kê thu hoạch của nước này từ năm 2013. Năm ngoái, 4,8 triệu tấn kê của Mỹ trị giá gần 1 tỷ USD đã được nhập khẩu vào Trung Quốc./.