Theo Tân Hoa Xã, các nhà khoa học tại tỉnh Thanh Hải, phía Tây Bắc Trung Quốc đã nhân bản vô tình thành công hai con dê Tây Tạng, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng thoái hóa giống vật nuôi cao nguyên.
Trong chương trình do nhóm nghiên cứu của Đại học Tây Bắc A&F thực hiện, ba con cừu Tây Tạng đực và một con cừu cái đã được sử dụng làm nguồn cung cấp tế bào sạch phục vụ việc nhân bản vô tính. “Kết quả là hai con dê nhân bản vô tính đã được sinh ra ở Thanh Hải. Con đầu tiên trong chương trình nặng 3,4 kg khi chào đời và rất khỏe mạnh”, ông Su Jianmin, khoa học gia trưởng đang lãnh đạo chương trình nhân bản vô tính cừu Tây Tạng, cho biết.
Ma Yuehui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Động vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho rằng hoạt động nhân bản vô tính dê thành công trên môi trường cao nguyên là bước đột phá lớn trong lĩnh vực chăn nuôi dê Tây Tạng. Kỹ thuật này có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành chăn nuôi dê Tây Tạng.
Dê Tây Tạng là vật nuôi quan trọng ở cao nguyên Thanh Tạng. Nhóm của ông Su đã làm việc với Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Động vật thành phố Tây Ninh từ năm 2018 để thực hiện việc nghiên cứu công nghệ ứng dụng kỹ thuật tạo phôi trên bò và dê Tây Tạng. Zhang Chengtu, một nhà nghiên cứu của Trung tâm, cho biết chương trình nghiên cứu sẽ giúp quảng bá các giống dê Tây Tạng tốt và tăng thu nhập cho nông dân, người chăn nuôi.
Trước khi nhân bản thành công dê Tây Tạng, Trung Quốc đã có nhiều thành tựu khác trong hoạt động nhân bản vô tính. Đơn cử như vào tháng 7/2020, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhân bản thành công một chú khỉ vàng có tên gọi Retro. Hiện Retro đã gần 4 tuổi, rất khỏe mạnh và phát triển tốt, như nhận xét của Falong Lu, một trong những tác giả của bài viết khoa học gây chú ý đăng trên tạp chí Nature Communications vào đầu tuần này.
Retro thuộc nhóm linh trưởng thứ hai mà các nhà khoa học Trung Quốc đã có thể nhân bản thành công. Nhóm tạo ra Retro cũng chính là nhóm từng công bố công trình nghiên cứu hồi năm 2018 về việc tạo ra hai con khỉ đuôi dài bằng phương thức nhân bản vô tính và chúng vẫn còn sống cho tới tận giờ.
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc, với các nhà khoa học tới từ Thượng Hải và Bắc Kinh, đã sử dụng một kỹ thuật SCNT sửa đổi trong nghiên cứu của họ với những con khỉ đuôi dài (macaca fascicularis) hồi năm 2018. Họ tiếp tục cải tiến kỹ thuật này hơn nữa để nhân bản khỉ vàng (macaca mulatta).
Sau hàng trăm nỗ lực nhân bản thất bại, họ nhận ra rằng ở những phôi ban đầu, màng ngoài - nơi hình thành nhau thai - không phát triển bình thường. Để giải quyết vấn đề này, họ đã thực hiện một quá trình gọi là cấy ghép khối tế bào bên trong, bao gồm việc đưa các tế bào bên trong đã được nhân bản vào phôi không được nhân bản. Theo Esteban, điều này cho phép phôi nhân bản vô tính phát triển bình thường.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật mới bằng cách sử dụng 113 phôi đã qua quá trình chỉnh sửa. 11 phôi trong số này tiếp tục được cấy vào 7 vật mang thai. Tuy nhiên cuối cùng chỉ có 1 vật mang thai sinh hạ con khỉ vô tính duy nhất.
“Chúng tôi nghĩ rằng vẫn còn thêm những bất thường cần khắc phục. Các chiến lược nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công của kỹ thuật SCNT trên loài linh trưởng vẫn là trọng tâm chính của nhóm trong tương lai”, Lu nói.
Động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới là cừu Dolly. Sinh vật này được tạo ra vào năm 1996 bằng cách ứng dụng một kỹ thuật gọi là chuyển nhân tế bào soma, hay SCNT. Trong đó, các nhà khoa học về cơ bản đã xây dựng lại kết cấu của một quả trứng chưa được thụ tinh thông qua việc kết hợp một nhân tế bào soma (không phải từ một tinh trùng hoặc trứng) với một quả trứng đã bị loại bỏ nhân.
Kể từ đó, các nhà khoa học đã nhân bản vô tính nhiều loài động vật có vú, bao gồm lợn, bò, ngựa và chó. Nhưng quá trình nhân bản vô tính thường không ổn định, có lúc thành công, lúc lại thất bại. Thường chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ phôi được chuyển vào vật mang thai sẽ phát triển bình thường và trở thành sinh vật sống./.
Khỉ nhân bản vô tính cho thấy hạn chế của một công nghệ gây tranh cãi dữ dội
Retro thuộc nhóm linh trưởng thứ hai mà các nhà khoa học đã nhân bản thành công. Nhóm tạo ra Retro cũng từng tạo ra hai con khỉ đuôi dài hồi năm 2018.