Trung Quốc lắp ghép tàu vũ trụ qua điều khiển bằng tay

Các nhà du hành Trung Quốc đã thực hiện thành công điều khiển bằng tay để ghép nối Thần Châu-9 với module Thiên Cung-1 trên quỹ đạo.
Ngày 24/6, các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc làm việc trên tàu Thần Châu-9 đã thực hiện thành công các thao tác điều khiển bằng tay để ghép nối Thần Châu-9 với module Thiên Cung-1 đang bay trên quỹ đạo.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện thành công kỹ thuật ghép nối tàu vũ trụ qua thao tác bằng tay của người điều khiển, vốn đòi hỏi sự khéo léo và độ chính xác cao, cũng như sự phối hợp chặt chẽ từ các nhà du hành vũ trụ. Trước đó, các vụ ghép nối tàu vũ trụ của Trung Quốc đều được thực hiện tự động.

Theo Tân Hoa Xã, nhà du hành vũ trụ Lưu Vượng, với sự hỗ trợ của hai đồng nghiệp Lưu Dương và Cảnh Hải Bằng, đã thực hiện chính xác các thao tác điều khiển, đưa tàu Thần Châu lắp ghép thành công với mô đun Thiên Cung-1 vào 12 giờ 42 (giờ địa phương).

[Thần Châu-9 lắp ghép với module bay trên quỹ đạo]


Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, chứng tỏ Trung Quốc đã hoàn toàn chiếm lĩnh công nghệ lắp ghép tàu vũ trụ qua điều khiển bằng tay của con người. Như vậy Trung Quốc đã là quốc gia thứ ba sở hữu công nghệ này, sau Nga và Mỹ. Thành công này cũng sẽ đưa Trung Quốc tiến gần hơn tới việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2020.

Trước đó, hôm 18/6, tàu Thần Châu-9 đã lắp ghép thành công với module Thiên Cung-1 qua chế độ tự động.

Tàu Thần Châu - 9 được phóng lên vũ trụ ngày 16/6 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, phía Tây Bắc Trung Quốc. Tham gia đội bay có nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc Lưu Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục