Trung Quốc lặng lẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân

Các nguồn tin trong nước và Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết nước này đã lặng lẽ bổ sung ít nhất 30 đầu đạn hạt nhân vào kho dự trữ trong năm 2019.
Quân đội Trung Quốc tại lễ khai mạc diễn tập quân sự Rồng Vàng 2020. (Ảnh: Nguyễn Hùng Vũ/TTXVN)

Theo asiatimes.com ngày 17/6, Trung Quốc đang ở trong một quá trình hiện đại hóa và mở rộng đáng kể kho vũ khí của mình.

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm dẫn các nguồn tin trong nước và Lực lượng Tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết nước này đã lặng lẽ bổ sung ít nhất 30 đầu đạn hạt nhân, một số có thể đã được triển khai, vào kho dự trữ trong năm 2019.

Liệu có phải Bắc Kinh đã thay đổi suy nghĩ và hồi sinh niềm yêu thích đối với vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khi các cường quốc thế giới khác đang đàm phán để giảm bớt chúng?

Dường như là vậy. Một cuộc chạy đua vũ trang mới đáng sợ đang diễn ra vào thời điểm Mỹ và Nga bàn về việc giảm bớt quy mô kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ.

[Mỹ cảnh báo mối đe dọa của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian]

Tại kỳ họp thường niên tháng trước, Quốc hội Trung Quốc đã phê duyệt ngân sách 1.2700 tỷ nhân dân tệ (179 tỷ USD) cho PLA, tăng 6,6% so với năm trước.

Động thái này được thực hiện trong bối cảnh Washington đang nhằm mục tiêu đưa Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán với Moskva để cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí chiến lược khác, đồng thời tháo dỡ các vũ khí đã hết hạn sử dụng và cất trong kho.

Chi tiết về các chiến thuật hạt nhân của PLA - đặc biệt liên quan đến sản xuất, xây dựng năng lực và triển khai - luôn được che đậy trước các nhà quan sát ở nước ngoài.

Tuy nhiên, người ta thường tin rằng quân đội Trung Quốc cất giấu các đầu đạn của họ tại một số căn cứ ở các tỉnh nội địa, đặc biệt là vùng Tân Cương xa xôi, nơi Trung Quốc đã kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964 và quả bom hydro đầu tiên 3 năm sau đó.

Tháng 7/1996, Trung Quốc đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 45 và cuối cùng tại Lop Nur, một hồ nước mặn, phần lớn khô cạn, nằm trong một lưu vực khô cằn bên rìa sa mạc rộng lớn ở phía Nam Tân Cương.

Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là ông Giang Trạch Dân đã ban bố một lệnh cấm chính thức thử nghiệm hạt nhân, mặc dù các thử nghiệm cận lâm sàng tiếp theo có thể đã được tổ chức trong những năm tiếp đó.

Cơ sở thử nghiệm hạt nhân gần Lop Nur đã được chuyển đổi thành một điểm thu hút khách du lịch, khi PLA chuyển hướng nghiên cứu và phát triển hạt nhân ở những nơi khác trên khắp Tân Cương và tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Trung Quốc.

Một số nhà quan sát quân sự, bao gồm Jun Takada, một nhà khoa học và nhà hoạt động người Nhật Bản nổi tiếng với việc phản đối các vụ thử hạt nhân, lưu ý rằng các khu vực rộng lớn ở các tỉnh như Tân Cương, Tứ Xuyên, Thanh Hải và Nội Mông là khu vực cấm đối với người dân địa phương và du khách.

Một số người coi những khu vực bí mật đó là bằng chứng về kho dự trữ hạt nhân đang hoạt động của PLA.

Chắc chắn, quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn so với Mỹ và Nga. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính đến năm 2019, Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn, tất cả được đưa vào kho dự trữ, so với 5.800 của Mỹ và 6.370 của Nga.

Cả Nga và Mỹ cũng đã có hơn 1.500 đầu đạn đã được triển khai, được đặt trên tên lửa hoặc trên các căn cứ với các lực lượng sẵn sàng hành động.

Đầu năm nay, ông Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã khuấy động một vụ ồn ào với các bài đăng của mình trên mạng xã hội Weibo, tuyên bố rằng không có một chút sự thật nào trong chiến dịch bôi nhọ được làm mới của truyền thông quốc tế về việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Ông Hồ Tích Tiến cho rằng PLA nên tăng gấp 3 lần kho dự trữ hạt nhân của mình lên ít nhất 1.000 đầu đạn để đối chọi với Mỹ và phản ánh sức mạnh tổng thể của Trung Quốc.

Người ta tin rằng ông Hồ Tích Tiến đang truyền đạt những lời kêu gọi của quân đội và lực lượng chủ chốt trong đảng Cộng sản Trung Quốc về việc cung cấp thêm tài chính và các nguồn lực cho PLA.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có thay đổi cách tiếp cận của mình về vấn đề phát triển hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng những nước có kho vũ khí lớn hơn nhiều nên có trách nhiệm lớn hơn và Bắc Kinh sẽ đứng ra cam kết “không sử dụng đầu tiên.”

Liệu sự gia tăng kho hạt nhân của Bắc Kinh có vi phạm cam kết không phổ biến hạt nhân hay không vẫn là một điều gây tranh cãi. Thực tế là Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất đầu tư vào kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ấn Độ, Anh, Pakistan, Israel và Triều Tiên đều đang gia tăng các khả năng của họ, nhưng mỗi quốc gia đã bổ sung ít hơn 20 đầu đạn vào năm ngoái.

Tuy nhiên, bằng cách dẫn đầu trong một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới nổi, Bắc Kinh có thể đã cho Lầu Năm Góc thêm lý do để khởi động lại việc thử hạt nhân của chính họ, chấm dứt một thời gian gián đoạn kéo dài hàng thập kỷ kể từ năm 1992./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục