Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) mới đây cho biết năm 2020 Trung Quốc tiếp tục duy trì vị thế là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức năm thứ năm liên tiếp.
Theo Destatis, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020 kim ngạch trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc đã tăng 3% so với năm 2019, đạt hơn 212 tỷ euro (gần 257 tỷ USD).
Các đối tác thương mại lớn thứ hai và ba của Đức là Hà Lan và Mỹ, với kim ngạch lần lượt là gần 173 tỷ euro và 171 tỷ euro, song đều giảm tương ứng 8,7% và 9,7% so với năm 2019.
Destatis nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với lĩnh vực nhập khẩu của Đức đang tăng dần đều. Kể từ năm 2015, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất nước Đức. Năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Đức của Trung Quốc tăng 5,6% so với năm 2019 đạt trên 116 tỷ euro. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan giảm 9,6% so với năm 2019, còn từ Mỹ giảm 5%.
Mỹ vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức kể từ năm 2015, dù kim ngạch xuất khẩu giảm 12,5% so với năm 2019, đạt gần 104 tỷ euro. Trung Quốc đứng thứ hai trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đức. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc giảm 0,1% xuống còn gần 96 tỷ euro.
[Ngành công nghiệp Đức lo lắng về các quy định mới của Trung Quốc]
Trung Quốc cũng đã giành lại vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong năm 2020, trong bối cảnh Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào các loại máy móc nhập khẩu bất chấp các nỗ lực hạn chế thương mại với Trung Quốc sau cuộc xung đột biên giới đẫm máu ở biên giới hồi giữa năm ngoái.
Theo số liệu tạm thời của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại hai chiều giữa nước này và Trung Quốc trong năm vừa qua đạt gần 78 tỷ USD. Mặc dù con số này thấp hơn mức 85,5 tỷ USD của năm 2019, nhưng cũng đủ để giúp Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, khi kim ngạch thương mại Ấn-Mỹ chỉ đạt gần 76 tỷ USD trong bối cảnh nhu cầu về hàng hóa bị giảm sút do đại dịch.
Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng di động của Trung Quốc, trì hoãn việc phê duyệt các khoản đầu tư từ nước láng giềng này và kêu gọi tăng cường khả năng tự lực tiếp sau cuộc đụng độ căng thẳng dọc biên giới Himalaya đang tranh chấp giữa hai nước.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các loại máy móc hạng nặng, thiết bị viễn thông và đồ gia dụng do Trung Quốc sản xuất, khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc gần 40 tỷ USD vào năm 2020, mức thâm hụt lớn nhất của Ấn Độ với nước ngoài.
Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là gần 59 tỷ USD, lớn hơn tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ từ Mỹ và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, vốn lần lượt là các đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ ba của Ấn Độ.
Mặc dù vậy, Ấn Độ đã có thể gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức khoảng 11% so với một năm trước lên 19 tỷ USD vào năm 2020.
Mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tham vọng của Ấn Độ trong việc tăng cường năng lực sản xuất nội địa nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Ấn Độ đã trì hoãn cấp thị thực cho các kỹ sư Trung Quốc đóng vai trò cần thiết để giúp các công ty Đài Loan (Trung Quốc) thiết lập các nhà máy theo các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Theo ông Amitendu Palit, nhà kinh tế học chuyên về đầu tư và thương mại quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, Ấn Độ sẽ phải trải qua một chặng đường dài trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Các chương trình PLI sẽ mất ít nhất 4-5 năm để tạo ra các năng lực mới trong những lĩnh vực cụ thể. Cho đến khi đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục cần đến Trung Quốc./.