Ngày 13/12, Trung Quốc đã kỷ niệm 75 năm vụ thảm sát và cưỡng hiếp tập thể của quân đội Nhật Bản ở Nam Kinh trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật đang căng thẳng. Hai quốc gia là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới có quan hệ thương mại và kinh doanh chặt chẽ, nhưng những yếu tố lịch sử vẫn còn gây nhiều gánh nặng cho quan hệ song phương. Buổi lễ được tổ chức tại bảo tàng Thảm sát Nam Kinh có 9.000 người tham dự, được bắt đầu bằng lễ hát quốc ca Trung Quốc khi các binh lính quân đội Trung Quốc mang những vòng hoa lớn lên sân khấu. Trước đó một phụ nữ lớn tuổi đã bật khóc khi bà đặt hoa cạnh tên các thành viên trong gia đình mình được khắc trên bức tường đá màu xám ghi danh các nạn nhân vụ thảm sát. Một nhóm các nhà sư người Trung Quốc và người Nhật cũng có mặt để đọc kinh siêu thoát cho các nạn nhân. Trung Quốc nói 300.000 thường dân và binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ thảm sát, cưỡng hiếp và tàn phá kinh hoàng trong vòng sáu tuần lễ sau khi quân đội Nhật tiến vào thành phố lúc đó là thủ đô của Quốc dân đảng vào ngày 13/12/1937. Một số học giả nước ngoài nói con số nạn nhân có thể thấp hơn. Kai Satoru, con trai của một binh sĩ Nhật từng phục vụ tại Trung Quốc, cũng có mặt trong sự kiện ngày 13/12. “Tôi ở đây để nhận lấy tội lỗi của mình. Họ (những binh sĩ Nhật Bản) đã tranh nhau giết người,” Satoru nói. Hiện còn không tới 200 người đã trải qua cuộc thảm sát còn sống, theo thống kê của Trung Quốc. Một trong số đó, Li Zhong, 87 tuổi, nói ông không bao giờ có thể tha thứ. “Những người sống sót ngày càng ít đi,” ông nói. “Nhưng chúng ta không được quên lịch sử.” Lễ kỷ niệm 75 năm thảm sát Nam Kinh có thêm ý nghĩa do quan hệ song phương đang căng thẳng, một quan chức Trung Quốc nói. “Chúng ta phải rất cảnh giác về khuynh hướng phủ nhận các hành vi xâm lược của Nhật Bản trong chiến tranh ở Nhật,” Wu Jinan thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải bình luận. “Lễ kỷ niệm này chỉ càng khiến quan hệ đang đóng băng thêm lạnh nhạt. Hiện giờ tôi không thấy dấu hiệu nào có thể cải thiện.”
Khu tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 (Nguồn: AFP)
Các cuộc biểu tình chống Nhật bùng lên ở nhiều thành phố Trung Quốc trong năm nay, khiến các công ty Nhật thiệt hại khoảng 100 triệu USD, sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa các hòn đảo mà họ gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản nói họ đã xin lỗi tất cả các nước châu Á về những tội ác chiến tranh, dẫn lời một tuyên bố năm 2005 của thủ tướng khi đó Junichiro Koizumi bày tỏ “sự hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành”./.
Trần Trọng (Vietnam+)