Nhằm nỗ lực giảm nhẹ các nguy cơ tài chính, Trung Quốc đã ra quyết định kỷ luật đối với 71 quan chức địa phương do vi phạm pháp luật và các quy định liên quan đến vấn đề nợ công của chính quyền địa phương.
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) ngày 22/12 cho biết, trong số 71 quan chức nói trên có 57 người thuộc tỉnh Giang Tô và 14 người thuộc tỉnh Quý Châu. Các quan chức này đã phải nhận những hình thức kỷ luật từ cảnh cáo, giáng chức cho đến buộc thôi việc.
Tại Giang Tô, các sai phạm diễn ra trong hoạt động đảm bảo tín dụng thông qua hình thức tín thác hoặc các chương trình quản lý tài sản tại 32 dự án ở 15 huyện, thị trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2016. Tại Quý Châu, những sai phạm tương tự cũng đã xảy ra tại năm địa phương. MOF cũng yêu cầu chính quyền các địa phương liên quan đến những hành vi sai phạm nói trên phải triển khai công tác chỉnh đốn trong một khoảng thời gian nhất định.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc, kết thúc ngày 20/12 vừa qua, đã tiếp tục nhấn mạnh tới chính sách trấn áp mạnh tay đối với những hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm nguyên tắc trong lĩnh vực tài chính. Các nhà hoạch định chính sách của nước này sẽ phải cùng lúc giải quyết các nguy cơ trong những lĩnh vực chủ chốt và tăng cường chỉnh đốn đối với những mắt xích yếu.
[Trung Quốc truy bắt hàng nghìn quan tham chạy trốn ra nước ngoài]
MOF khẳng định sẽ hối thúc chính quyền các địa phương trên toàn quốc nỗ lực ngăn chặn những hành vi sai phạm trong vấn đề nợ công, đồng thời thúc đẩy cải cách phương thức quản lý đối với giới hạn nợ của chính quyền địa phương và trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt.
Theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, cơ quan này đã phát hiện các khoản nợ địa phương sai quy định có tổng giá trị trên 6,4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 972 triệu USD) trong Quý 3/2017.
Cùng ngày, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (MEP) cho biết đã tiến hành kỷ luật đối với 6.471 cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường sau đợt thanh tra lần thứ tư trong năm 2017.
Trong đợt thanh tra đối với tám địa phương - gồm Cát Lâm, Chiết Giang, Sơn Đông, Hải Nam, Tứ Xuyên, Tây Tạng, Thanh Hải và Tân Cương, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cơ bản giải quyết xong 40.706 vụ tố cáo liên quan đến vấn đề môi trường, lập hồ sơ xử phạt đối với 10.806 tổ chức, xử phạt tổng cộng 547,6 triệu Nhân dân tệ (khoảng 83,3 triệu USD); lập án điều tra đối với 335 vụ việc, bắt giữ 424 người, triệu tập thẩm vấn đối với 4.855 người; và truy cứu trách nhiệm đối với 6.471 cán bộ.
MEP cũng đã phê bình một loạt chính quyền địa phương, điển hình là tỉnh Cát Lâm, về những vấn đề như thiếu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, năng lực xử lý yếu kém đối với tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước, thiếu cơ sở hạ tầng môi trường, lấn biển trái phép… Chính quyền 8 địa phương nói trên sẽ phải báo cáo Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc về kế hoạch giải quyết những vấn đề ô nhiễm trong vòng 30 ngày làm việc sắp tới, đồng thời phải công khai rộng rãi các kế hoạch này trước toàn xã hội.
Các hoạt động thanh tra là một biện pháp quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm khắc phục tình trạng suy giảm trầm trọng chất lượng môi trường không khí và ô nhiễm đất đai sau nhiều năm quá chú trọng vào phát triển kinh tế./.