Trung Quốc kích hoạt lò phản ứng hạt nhân đầu tiên chế tạo trong nước

Tổng Công ty điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc nêu rõ sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc phá vỡ thế độc quyền công nghệ điện hạt nhân của nước ngoài và chính thức gia nhập nhóm các nước tiên tiến.
Quá trình xây dựng lò phản ứng Hoa Long 1 do Trung Quốc tự xây dựng. (Ảnh: Reuters) 

Trung Quốc đã kích hoạt lò phản ứng hạt nhân đầu tiên do nước này tự sản xuất, mang tên Hoa Long 1. Đây là một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nước phương Tây về an ninh năng lượng và công nghệ có tầm quan trọng sống còn này.

Theo hãng tin AFP của Pháp, Tổng Công ty điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết lò phản ứng Hoa Long 1 đã được hòa vào lưới điện quốc gia ngày 27/11, có thể tạo ra 10 tỷ KW/h điện mỗi năm và giúp giảm 8,16 triệu tấn khí thải CO2.

Tuyên bố của CNNC nêu rõ: "(Sự kiện trên) đánh dấu việc Trung Quốc phá vỡ thế độc quyền công nghệ điện hạt nhân của nước ngoài và chính thức gia nhập nhóm các nước tiên tiến hàng đầu về công nghệ này."

Theo Cục Năng lượng Quốc gia (NEA), năm 2019, các nhà máy hạt nhân cung cấp gần 5% nhu cầu điện năng hằng năm của Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ tăng lên khi nước này hướng tới mục tiêu trở thành nước trung hòa về CO2 vào năm 2060.

[Trung Quốc không tham gia đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga]

Việc giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao quan trọng như điện lực là một mục tiêu chủ chốt trong kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" mà Bắc Kinh đặt ra.

Ban lãnh đạo CNNC cho biết việc lắp đặt lò phản ứng Hoa Long 1 đã được thi công từ năm 2015 và hiện có 6 lò phản ứng khác đang xây dựng ở Trung Quốc và nước ngoài.

Lò phản ứng này đặt tại tỉnh Phúc Kiến ở miền Đông. Dự kiến cuối năm nay, nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất phục vụ thương mại sau thời gian thử nghiệm.

Trung Quốc hiện có tổng cộng 47 nhà máy điện hạt nhân với tổng sản lượng điện đạt 48,75 triệu KW, cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Pháp.

Trong những năm vừa qua, Bắc Kinh đầu tư hàng tỷ USD để phát triển lĩnh vực năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo nền kinh tế không phụ thuộc vào than đá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục