Trung Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất ôtô và những lĩnh vực chế tạo công nghệ cao khác, trong đó có điện tử ôtô và pin xe hơi năng lượng mới.
Tại cuộc họp báo ngày 25/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Tôn Kế Văn cho biết phần lớn lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đều hoàn toàn mở cửa đối với đầu tư nước ngoài, chỉ có một vài lĩnh vực “nhạy cảm” thuộc diện bị hạn chế, song con số này đang giảm dần.
Bản hướng dẫn về danh mục thu hút đầu tư nước ngoài mới được sửa đổi sẽ sớm có hiệu lực, qua đó nới lỏng những hạn chế đối với sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực điện tử ôtô, pin xe hơi năng lượng mới, xe máy và những lĩnh vực khác.
[Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nước sản xuất ôtô hàng đầu thế giới]
Phát biểu của ông Tôn Kế Văn được xem là lời đáp trả bình luận gần đây của Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cho rằng thị trường Trung Quốc không thực sự tự do, đặc biệt là trong lĩnh vực như sản xuất ôtô.
Ông Tôn Kế Văn cho rằng các công ty ôtô của Đức đã và đang hưởng lợi lớn từ chính sách mở cửa và cải thiện môi trường đầu tư của Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc sang Đức đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 281 dự án ở Đức với tổng số vốn đầu tư lên đến 11 tỷ euro (khoảng 12,35 tỷ USD), tạo ra 3.900 việc làm cho người dân nước này.
Cũng liên quan đến sự phát triển của ngành chế tạo ôtô của Trung Quốc, hãng Zhejiang Geely Holding Group của Trung Quốc ngày 25/5 thông báo sẽ mua 49,9% cổ phần của công ty Proton thuộc tập đoàn DRB-HICOM (Malaysia).
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc đang coi Đông Nam Á là thị trường có tiềm năng tăng trưởng.
SAIC Motor Corp, có trụ sở tại Thượng Hải, đã xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô tại Indonesia vào năm 2015 và thành lập một liên doanh ở Thái Lan ba năm trước.
Trong khi đó, Dongfeng Motor Group cũng đang quan tâm đầu tư vào khu vực Đông Nam Á./.