Theo trang mạng nytimes.com, đối mặt với các đòn trừng phạt thuế quan ngày càng mạnh mẽ từ Mỹ với nguy cơ khiến nền kinh tế vốn đang chững lại của Trung Quốc trở nên trì trệ hơn, Chủ tịch Tập Cận Bình đang ra sức thể hiện với thế giới rằng Trung Quốc có thể trở thành lực lượng tích cực trong nền thương mại toàn cầu.
Thách thức nằm ở chỗ ông sẽ phải thuyết phục thế giới tin vào điều này.
Ngày 5/11, Chủ tịch Tập Cận Bình khai mạc hội chợ thương mại kéo dài 6 ngày với mục tiêu quảng bá thị trường tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu khổng lồ của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh các cam kết rằng Bắc Kinh sẽ hạ mức thuế nhập khẩu và thúc đẩy các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để điều này trở thành hiện thực.
Hội chợ lần này được tổ chức tại khu vực có quy mô lớn gấp 5 lần Trung tâm Hội nghị Jacob K. Javits tại New York, có sự tham gia của khoảng 150.000 nhà nhập khẩu Trung Quốc và hàng hóa từ các doanh nghiệp tới từ 130 quốc gia.
Đây là sự kiện để thể hiện rằng Trung Quốc có nhiều tiềm năng đóng góp cho kinh tế toàn cầu bên cạnh ngành sản xuất, ngành nghề giúp hàng hóa Trung Quốc hiện diện tại khắp mọi nơi trên thế giới và khiến các nhà lãnh đạo tại Mỹ và nhiều khu vực khác phải lo ngại về các ngành công nghiệp nội địa.
Tuy nhiên, qua hội chợ tại Thượng Hải, người ta cũng thấy rõ những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, nhất là khi xét đến sự vắng mặt của một số quốc gia.
Bất chấp những nỗ lực suốt nhiều tháng qua của Trung Quốc để thuyết phục các nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự, thực tế chỉ có khoảng hơn 10 nguyên thủ tới từ các nước như Hungary, Cộng hòa Dominica và El Salvador, hiện diện tại lễ khai mạc hội chợ vào sáng 5/11.
[Trung Quốc sẵn sàng đàm phán và phối hợp với Mỹ về thương mại]
Các lãnh đạo tham dự sự kiện này cũng chủ yếu đến từ các quốc gia vay khá nhiều tiền của Bắc Kinh trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, như Kenya hay Lào.
Đáng chú ý, vắng mặt tại hội chợ là lãnh đạo từ các đối tác thương mại lớn như Đức, Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ thậm chí còn không gửi bất cứ phái đoàn quan chức nào tới hội chợ.
Một mặt vừa tìm cách có được thỏa thuận với Washington, mặt khác Bắc Kinh đang không ngừng nỗ lực lôi kéo phần còn lại của thế giới, cả trên phương diện ủng hộ chính trị trong mâu thuẫn với Mỹ và để đảm bảo Trung Quốc có thêm các thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Tiêu biểu cho nỗ lực này là cuộc gặp gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với động thái được nhiều người cho là tín hiệu thể hiện rằng lập trường thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump nhằm vào Nhật Bản và Trung Quốc có thể khiến hai đối thủ khu vực này xích lại gần nhau hơn.
Các chính phủ tại châu Âu và Đông Á đang đứng trước nguy cơ vướng vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Có một thực tế là công luận tại nhiều quốc gia, nhất là tại Tây Âu, ngày càng không hài lòng với Tổng thống Trump và điều này vô hình trung càng khiến giới lãnh đạo gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ủng hộ Washington đối phó với các tranh cãi thương mại.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu và Đông Á cũng có chung những lo ngại như Tổng thống Trump. Họ cho rằng Trung Quốc phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại đây trong khi lại dành những ưu đãi và có những biện pháp bảo trợ bất công đối với doanh nghiệp địa phương.
Một số quốc gia thậm chí còn có xu hướng gay gắt hơn với Trung Quốc.
Adam Dunnett, Tổng thư ký Văn phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết trong vài tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp châu Âu bắt đầu ủng hộ lập trường cứng rắn với Trung Quốc theo mô hình Mỹ.
Họ muốn châu Âu áp đặt những quy định và hạn chế chặt chẽ đối với hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trừ khi Bắc Kinh tạo điều kiện cho doanh nghiệp châu Âu tương tự những gì châu Âu đem lại cho doanh nghiệp nước này.
['Cuộc gặp Mỹ-Trung Quốc sẽ xoa dịu căng thẳng song phương']
Một số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cũng nhắc lại những phàn nàn của Mỹ về việc Trung Quốc đã được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 song lại không có đủ quy định và luật lệ để buộc họ phát triển theo hướng đi của một nền kinh tế thị trường.
Sự thay đổi trong thái độ của các doanh nghiệp diễn ra cùng với sự chuyển biến trong chính sách của Chính quyền Trump vài tháng trở lại đây nhằm kêu gọi các quốc gia cùng phản đối các chính sách thương mại của Trung Quốc và đánh dấu sự rút lui khỏi chủ nghĩa đơn phương.
Đầu năm, Mỹ từng áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm lá nhập khẩu từ nhiều đối tác, trong đó có cả các nước đồng minh, thúc đẩy việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đe dọa áp thuế đối với xe hơi nhập khẩu từ châu Âu.
Tuy nhiên, suốt những tháng gần đây, đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer đã dồn sức cho các nỗ lực hàn gắn quan hệ với các nước châu Âu và Đông Á, đồng thời thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do với ngày càng nhiều các quốc gia trong khu vực.
Các nỗ lực này cũng có ảnh hưởng tích cực rất lớn đến các đồng minh của Mỹ, cụ thể là EU và Nhật Bản, với tuyên bố chung hồi tháng Chín vừa qua lên án các hành vi cưỡng chế chuyển giao công nghệ, bảo hộ ngành công nghiệp trong nước và các ưu đãi bất công dành cho doanh nghiệp quốc doanh.
Tuyên bố này rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc dù không nêu đích danh.
Tuy nhiên, không phải cả thế giới đều đứng về phía Mỹ. Các đối tác thương mại của Mỹ vẫn cảnh báo rằng những động thái đơn phương của Chính quyền Tổng thống Trump như áp thuế và hủy bỏ những thỏa thuận thương mại có thể phá hỏng trật tự kinh tế toàn cầu.
Điều này càng khiến các đối tác thương mại của Mỹ lo ngại, nhất là về những quyết định không nằm trong khuôn khổ của WTO.
Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách khu vực đồng euro và đối thoại xã hội, nói: “Điều chúng tôi lo ngại là cách tiếp cận đơn phương này. Chúng tôi cho rằng thương mại nên được tiến hành trên cơ sở đa phương”./.