Ngày 11/5, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Nghị (Wang Yi) khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tiến hành đối thoại và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi.
Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg ở Vienna, ông Vương Nghị cho biết dù tình hình quốc tế thay đổi như thế nào, Trung Quốc luôn ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập, đoàn kết và tăng trưởng của EU, cũng như một vai trò lớn hơn của EU trong các vấn đề toàn cầu.
Về phần mình, Ngoại trưởng Schallenberg cho biết Áo cam kết thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Áo – Trung trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Ông cũng cam kết sẽ thúc đẩy tích cực sự phát triển lành mạnh của quan hệ EU-Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, hai bên cũng trao đổi quan điểm về tình hình châu Á – Thái Bình Dương, khủng hoảng tại Ukraine và các vấn đề cùng quan tâm.
Trong diễn biến khác, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) vừa đề xuất kế hoạch điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh trong khi tiếp tục hợp tác về các vấn đề toàn cầu.
Bản kế hoạch dài 7 trang đã được EEAS gửi tới chính phủ các nước thành viên EU trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng EU tại Stockholm (Thụy Điển) diễn ra trong ngày 12/5. Đây là nỗ lực mới nhất của EU nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của 27 nước thành viên và đạt mục tiêu duy trì cách tiếp cận đặc biệt với Trung Quốc, trong khi duy trì quan hệ mật thiết với Mỹ.
Trong bức thư kèm theo đề xuất trên, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã nêu một số lý do để “tái định hình” chính sách với Trung Quốc, trong đó có việc Trung Quốc là nhân tố chính trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đề xuất của EEAS nêu rõ “hợp tác, cạnh tranh và đối đầu sẽ tiếp tục là trung tâm của chính sách của EU về Trung Quốc". Kế hoạch của EEAS cũng nhấn mạnh hợp tác với Mỹ “vẫn là trọng yếu."
Về cách thức để EU có thể “giảm nguy cơ” khi phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, tài liệu trên cho rằng cần theo dõi đầu tư chặt hơn và tăng kiểm soát xuất khẩu, đồng thời đề xuất EU cần “đa dạng nguồn cung trong các lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” như thiết bị bán dẫn, các mạng viễn thông 5G và 6G, vật liệu và các khoáng sản quan trọng./.