Ngày 10/8, Chính phủ Trung Quốc khẳng định nước này đang thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, đồng thời nêu rõ Bắc Kinh vẫn chưa có chính sách mới nào sau khi Liên hợp quốc cho rằng cần phải có nhiều hành động khẩn cấp hơn để chống lại sự ấm lên toàn cầu.
Trong báo cáo công bố mới đây, Liên hợp quốc nhận định rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự tính. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã phản hồi báo cáo này bằng cách kêu gọi các động thái quyết liệt và ngay lập tức để cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quốc duy trì các chính sách và cam kết hiện tại của nước này với ưu tiên phát triển bền vững, xanh và phát thải ít carbon.
Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đưa mức phát thải về 0 vào năm 2060, đồng thời kêu gọi cộng đồng toàn cầu hoàn toàn tin tưởng vào các hành động chống biến đổi khí hậu của Trung Quốc.
[Triển vọng nào cho hợp tác khí hậu giữa Trung Quốc và phương Tây?]
Bắc Kinh từng gặp phải những "phàn nàn" vì thúc đẩy việc mở hàng chục nhà máy điện chạy bằng than đá mới để đảm bảo đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết sẽ "kiểm soát chặt chẽ" hoạt động của các nhà máy này.
Theo tuyên bố này, sự gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Trung Quốc sẽ tiếp tục trong vài năm tới, và lượng tiêu thụ than sẽ bắt đầu giảm dần từ năm 2026.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc kết luận rằng, mục tiêu hạn chế nhiệt độ ấm lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể sẽ bị vi phạm vào khoảng năm 2030, sớm hơn một thập niên so với dự kiến mà chính ủy ban này đưa ra cách đây ba năm.
Theo IPCC, mức độ ấm lên toàn cầu đó sẽ có những tác động tiêu cực đối với nhân loại, bao gồm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn như bão, hạn hán và lũ lụt./.