Trung Quốc khẳng định các nhà đàm phán thương mại vẫn đến Mỹ

Các nhà đàm phán vẫn xúc tiến kế hoạch tới Mỹ nhưng Trung Quốc không nói về việc Phó Thủ tướng Lưu Hạc có dẫn đầu đoàn đàm phán hay không.
Trung Quốc khẳng định các nhà đàm phán thương mại vẫn đến Mỹ ảnh 1Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa), Đại diên thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 1/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước thông tin nhiều khả năng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ hủy chuyến đi tới Mỹ, dự kiến trong tuần này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tăng thuế đối với số lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của "gã khổng lồ" châu Á, ngày 6/5, Bắc Kinh khẳng định các nhà đàm phán nước này vẫn đang chuẩn bị lên đường tới Washington để đàm phán thương mại.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Bắc Kinh đang nỗ lực để có thêm thông tin sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo có thể áp thuế 25% thêm nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á này.

[Phó Thủ tướng Trung Quốc có thể không đến Mỹ để đàm phán thương mại]

Vì vậy, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị đến Mỹ để đàm phán thương mại như kế hoạch.

Tuy nhiên, ông không cho biết thông tin chi tiết về thành phần tham gia đoàn đàm phán, nhất là liệu Phó Thủ tướng Lưu Hạc có dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc cũng như liệu các cuộc đàm phán có diễn ra như kế hoạch vào ngày 8/5 tới hay không.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên đã đạt "tiến triển tích cực" trong 10 vòng đàm phán cấp cao và dư luận vẫn đang theo dõi các vòng đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông hy vọng Washington sẽ cùng nỗ lực với Bắc Kinh và hai bên có thể nhất trí một số điều khoản để có thể đi đến một thỏa thuận cùng thắng, cùng có lợi dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Điều này không chỉ phù hợp với lợi ích của phía Trung Quốc mà còn phù hợp với lợi ích của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Trước đó, ngày 5/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ sớm tăng mức thuế hiện là 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% từ ngày 10/5 tới, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa của nước này.

Theo Tổng thống Trump, tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn "tiếp diễn, nhưng quá chậm, khi họ (Trung Quốc) tìm cách đàm phán lại."

Ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên, phát biểu trên trang Twitter, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), ấn phẩm tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo (People's Daily) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Tích Tiến ám chỉ khả năng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ không đến Mỹ khi viết rằng: "Hãy cứ để ông Trump tăng thuế. Để xem khi nào đàm phán thương mại mới có thể được nối lại."

Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc hủy các cuộc đàm phán với Mỹ trong tuần này sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Nếu điều này xảy ra, kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, thị trường tài chính bị xáo trộn và tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi.

Việc Tổng thống Mỹ gây thêm sức ép đối với Trung Quốc trước vòng đàm phán mới dự kiến vào ngày 8/5 bộc lộ một thực tế rằng những điểm còn vướng mắc, bất đồng giữa hai nước là những vấn đề khó khăn nhất không dễ vượt qua.

Theo các nhà phân tích kinh tế, nguyên nhân khiến Tổng thống Trump đưa ra động thái trên là do kinh tế Trung Quốc vẫn đang khởi sắc, tăng trưởng ổn định trong quý 1/2019 bất chấp xuất khẩu sang Mỹ giảm.

Các nhà kinh tế thuộc Citigroup nhận định Trung Quốc sẽ ít có khả năng đưa ra thêm các nhượng bộ và lời đe dọa trên của Tổng thống Trump phù hợp với việc Mỹ gia tăng sức ép đối với Trung Quốc để đạt được những nhượng bộ này.

Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc Jake Parker cho rằng việc Tổng thống Trump đưa ra lời đe dọa ngay trước thềm các cuộc đàm phán sẽ đẩy Bắc Kinh vào tình thế rất khó về mặt chính trị.

Nếu Bắc Kinh đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót ngày 10/5 như Tổng thống Trump đặt ra, người dân Trung Quốc có thể coi đây là "một sự đầu hàng."

Nếu Tổng thống Trump thực hiện lời đe dọa, các công ty Mỹ ở Trung Quốc sẽ rất quan ngại về biện pháp đáp trả chính thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục