Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng gây sức ép đối với các công ty công nghệ

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước này và Trung Quốc có "cơ hội rất tốt" để đạt thỏa thuận thương mại, nhằm hóa giải những tranh cãi đã kéo dài suốt hơn một năm qua.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng gây sức ép đối với các công ty công nghệ ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Ngày 10/10, phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng kêu gọi Mỹ ngừng việc gia tăng sức ép vô lý đối với các công ty công nghệ của nước này, đặc biệt là tập đoàn Huawei.

Cùng ngày, báo New York Times đưa tin Washington sẽ sớm cho phép một số công ty Mỹ bán những hàng hóa không nhạy cảm cho Huawei. Trước đó, ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nước này và Trung Quốc có "cơ hội rất tốt" để đạt thỏa thuận thương mại, nhằm hóa giải những tranh cãi đã kéo dài suốt hơn một năm qua, vốn đã gây ra những tác động không nhỏ tới thị trường toàn cầu.

Ông Trump khẳng định hai bên sẽ ký kết thỏa thuận nếu có thể và hiện đang có cơ hội rất tốt để tiến tới mục tiêu này. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, theo quan điểm của ông, phía Trung Quốc mong muốn đạt thỏa thuận hơn cả.

[Mỹ cấp phép cung cấp hàng hóa không nhạy cảm cho Huawei]

Theo kế hoạch, trong các ngày 10-11/10 giới chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại lần đầu tiên sau gần hai tháng bị gián đoạn. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính nước này Steven Mnuchin.

Đàm phán cấp cao được tiến hành dựa trên kết quả các cuộc tham vấn cấp chuyên viên trước đó. Các vấn đề dự kiến được thảo luận bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp và thực thi pháp luật.

Ngoài ra, hãng tin Bloomberg cho rằng Mỹ đang cân nhắc một hiệp ước tiền tệ với Trung Quốc. Đây được cho là thỏa thuận giai đoạn đầu với Bắc Kinh trước khi hai bên tiếp tục đàm phán về các vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc và sở hữu trí tuệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục