Trung Quốc kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine

Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc Cảnh Sảng kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine sau khi Bắc Kinh đưa ra đề xuất riêng.
Trung Quốc kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine ảnh 1Khói bốc lên sau loạt vụ không kích xuống thủ đô Kiev của Ukraine, ngày 10/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc Cảnh Sảng tuyên bố diễn biến tình hình chiến trường Ukraine cho thấy các biện pháp quân sự không thể giải quyết cuộc khủng hoảng và việc tiếp tục xung đột sẽ chỉ gây ra nhiều đau khổ hơn cho dân thường, thậm chí có thể dẫn đến những tình huống khó lường và không thể khắc phục được.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 17/7, ông Cảnh Sảng nhận định: "Cho dù kéo dài bao lâu thì sau cùng, cuộc khủng hoảng này chỉ có thể giải quyết thông qua các biện pháp chính trị."

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine sau khi Bắc Kinh đưa ra đề xuất riêng.

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột phải "duy trì một khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững."

Ngoài ra, ông cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra là do "sự mở rộng các khối quân sự vốn chỉ gây hỗn loạn cho châu Âu và toàn thế giới."

[Nga đánh giá vai trò hòa giải của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine]

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Cảnh Sảng nêu đề xuất gồm 4 điểm cho các nỗ lực hòa bình trong tương lai. Ông nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an nên phối hợp để ngăn chặn tình hình ở Ukraine vượt tầm kiểm soát.

Đề xuất của Bắc Kinh cũng kêu gọi Nga, Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, hạn chế tác động lan rộng của cuộc khủng hoảng, giải quyết các vấn đề nhân đạo, đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân, đặc biệt tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã đưa ra bản kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đề xuất này kêu gọi hai bên nối lại đàm phán, đồng thời cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của Nga. Một số quan chức Điện Kremlin phát tín hiệu rằng Moskva sẵn sàng thảo luận thêm về đề xuất của Bắc Kinh. Tuy nhiên, bản kế hoạch vấp phải sự phản đối của Ukraine và các đồng minh, đối tác phương Tây.

Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đóng băng kể từ tháng 3 năm ngoái dù hai bên đều tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng đàm phán để chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, Nga nói rằng hiện tại họ không nhìn thấy triển vọng hòa đàm khi phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục