Ngày 12/7, Trung Quốc đã kêu gọi Canada ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn viễn thông Huawei.
Trước đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu theo hiệp định dẫn độ song phương giữa Canada và Mỹ trên cơ sở luật pháp, và không hề mang yếu tố chính trị.
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ Trung Quốc quan ngại trước những phát biểu sai lệch của giới chức Ottawa về vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu cũng như mối quan hệ Trung Quốc-Canada. Người phát ngôn nêu rõ việc lạm dụng hiệp định dẫn độ song phương giữa Mỹ và Canada cũng như các biện pháp cưỡng ép nhằm vào công dân Trung Quốc là sự vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bà Mạnh Vãn Châu, đồng thời coi đây là một vấn đề chính trị nghiêm trọng. Do đó, Trung Quốc hối thúc Canada đáp ứng mối quan ngại nghiêm túc của Bắc Kinh, sửa chữa sai lầm, thả bà Mạnh Vãn Châu ngay lập tức.
Bà Mạnh Vãn Châu đã bị Canada bắt giữ tại sân bay Vancouver hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ và đang đấu tranh chống lại việc dẫn độ theo cáo buộc rằng bà và Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Cả bà Mạnh Vãn Châu và tập đoàn Huawei đều phủ nhận mọi cáo buộc. Vụ Canada bắt giữ CFO của Huawei đã đẩy mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1970, thời điểm nước hai bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Theo giới quan sát, vụ Huawei phản ánh "cuộc đọ sức" giữa phương Tây và Trung Quốc trong lĩnh vực mạng thông tin liên lạc, lĩnh vực mà tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới.
['Can thiệp vào việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu là hành động nguy hiểm']
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Chủ tịch Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc Lương Hoa đã hối thúc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với hãng này, trong bối cảnh Washington vẫn đang lo ngại sản phẩm của Huawei có thể hỗ trợ cho hoạt động gián điệp.
Phát biểu trước họp báo ở trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc, ông Lương Hoa cho rằng lệnh cấm hiện nay là "vô căn cứ và không công bằng," đồng thời nhận định động thái này đang làm tổn hại đến chính các doanh nghiệp Mỹ. Ông khẳng định Huawei chưa bao giờ được Chính phủ Trung Quốc yêu cầu thu thập thông tin. Chủ tịch Huawei nhấn mạnh bất chấp lệnh cấm của Mỹ, doanh thu của tập đoàn vẫn tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019.
Tháng 5 vừa qua, với lý do đảm bảo an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei vào cái gọi là "Danh sách thực thể." Theo đó, các bộ phận và linh kiện công nghệ cao của Mỹ sẽ không được bán cho những đối tượng nằm trong danh sách trên mà không có giấy phép đặc biệt của chính phủ. Tuy nhiên, Washington sau đó tuyên bố đã "bật đèn xanh" cho tập đoàn viễn thông này được phép mua sản phẩm của các công ty Mỹ với điều kiện những thương vụ đó không gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Cụ thể, Washington sẽ yêu cầu của các công ty muốn xin cấp giấy phép bán hàng cho Huawei hay cho bất kỳ thực thể nào bị liệt vào danh sách trên đều phải trải qua một quá trình đánh giá nghiêm ngặt và có thể phải chấp nhận bị từ chối./.