Theo ông Ding Yifan, Phó Giám đốc Viện Phát triển Thế giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc Vụ viện Trung Quốc, tiến trình cải cách kinh tế mà Trung Quốc vừa công bố tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 bế mạc ngày 12/11 sẽ có ảnh hưởng tích cực tới quan hệ kinh tế Trung Quốc-châu Âu.
Phát biểu bên lề một cuộc họp các chuyên gia quốc tế tại "kinh đô thương mại" Milan của Italy, ông Ding cho hay, theo kế hoạch cải cách trên, thị trường sẽ đóng một vai trò tích cực và về cơ bản, nền kinh tế (Trung Quốc) sẽ vận hành theo cơ chế thị trường và tự điều chỉnh.
Chính phủ Trung Quốc sẽ giảm dần sự can thiệp vào thị trường nhưng các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) vẫn là trụ cột của nền kinh tế nước này.
Ông Dinh nói thêm: "Sẽ có một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân, SOE và các loại hình doanh nghiệp khác. Trung Quốc sẽ nỗ lực tạo ra sự cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng, có nghĩa chính phủ sẽ không tiếp tục cung cấp một số lợi thế tài chính cho các SOE."
Bên cạnh đó, ông Ding cho hay Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cải cách các cơ quan chính phủ, có nghĩa trong tương lai các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoạt động trong một môi trường đầu tư ổn định hơn.
Thông điệp tích cực trên dành cho Liên minh châu Âu (EU), mà Trung Quốc coi như một đối tác chiến lược và quan trọng trên thế giới, dựa trên sự sẵn sàng tìm kiếm "một số sáng kiến mới vì sự phát triển kinh tế trong tương lai" của Trung Quốc.
Những cải cách này sẽ đem đến lực đẩy mới cho sự phát triển của Trung Quốc và nếu nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, sẽ mang lại các cơ hội lớn cho các doanh nghiệp châu Âu.
Hiện tại, Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư ra nước ngoài, nhất là Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone). Điều này rất có lợi đối với sự hồi phục của khu vực này sau khủng hoảng kinh tế.
Theo ông Ding, Trung Quốc là một nhân tố to lớn góp phần vào sự ổn định tài chính của Eurozone và bất chấp sức ép đối với tình trạng nợ công của một số nước thành viên Eurozone, nước này đang tiến hành mua lại các khoản nợ trên.
Ông Ding cho rằng Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới và động thái của nước này có một tác động tâm lý rất lớn đối với các thị trường trên thế giới./.