Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cơ bản tháng thứ sáu liên tiếp

Barclays nhận định Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ duy trì chính sách hỗ trợ trong nửa đầu năm nay, nhưng chỉ thông qua các hành động liên quan đến thanh khoản chứ không thực hiện cắt giảm lãi suất.
Kiểm tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại ngân hàng ở Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đúng như dự báo của thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong tháng thứ sáu liên tiếp, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn sụt giảm do đại dịch gây ra.

Trong thông báo sáng 20/2, PBoC cho hay Lãi suất Cơ bản Cho vay (LPR) kỳ hạn một năm được giữ ở mức 3,65%, còn LPR kỳ hạn 5 năm không đổi ở mức 4,30%.

Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên LPR kỳ hạn một năm, trong khi LPR kỳ hạn 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp.

Lần gần nhất Trung Quốc cắt giảm cả hai lãi suất chuẩn là vào tháng 8/2022 để thúc đẩy nền kinh tế.

Một loạt số liệu tốt hơn mong đợi gần đây cho thấy hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đang phục hồi, sau khi chính phủ nước này nới lỏng các chiến lược Zero COVID-19 nghiêm ngặt vào tháng 12/2022 và chuyển sang các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Barclays nhận định PBoC sẽ duy trì chính sách hỗ trợ trong nửa đầu năm nay, nhưng chỉ thông qua các hành động liên quan đến thanh khoản chứ không thực hiện cắt giảm lãi suất.

Ngân hàng này lưu ý không giống như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc vẫn là ngoại lệ trong môi trường chính sách tiền tệ thế giới.

Lạm phát tại nước này vẫn ở mức vừa phải, trong khi hoạt động kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn yếu, tạo cơ hội cho PBoC duy trì chính sách hỗ trợ trong nửa đầu năm nay.

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới đầu tư cũng cho biết quyết định giữ nguyên LPR nằm trong dự kiến, khi PBoC tăng cường bơm thanh khoản trung hạn, kéo dài các khoản vay chính sách đáo hạn vào tuần trước trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất.

Tuy nhiên, bất chấp đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một số nhà phân tích kỳ vọng lãi suất sẽ giảm sau Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thường niên sẽ khai mạc vào ngày 5/3, khi chính phủ công bố các mục tiêu tăng trưởng chủ chốt trong năm.

Ông Tommy Xie, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc đại lục tại Ngân hàng OCBC, đồng ý rằng lãi suất có thể sẽ bị cắt giảm trong những tháng tới.

[Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế]

Theo ông Xie, nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ đi đôi với mở rộng chính sách tài khóa trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu.

Lãi suất thấp hơn sẽ giúp giảm thiểu chi phí phát hành trái phiếu chính phủ, đồng thời lãi suất thế chấp thấp hơn cũng có thể giúp xoa dịu rủi ro hệ thống.

Trong khi đó, theo nhận định mới nhất của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Trung Quốc đã được tiếp thêm đà để phục hồi trong năm nay sau khi dỡ bỏ các hạn chế về đi lại và các hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, điều này cũng góp phần thúc đẩy cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo dự đoán mới nhất của IMF, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, so với mức 3% năm ngoái. Đây là tin tốt cho Trung Quốc và thế giới vì nền kinh tế Trung Quốc hiện được kỳ vọng sẽ đóng góp tới 1/4 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Dây chuyền lắp ráp ôtô tại một nhà máy ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 28/8/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể. Sự thu hẹp trong lĩnh vực bất động sản vẫn là một trở ngại lớn và vẫn còn một số điều không chắc chắn xung quanh sự phát triển của đại dịch COVID-19.

Về dài hạn, những trở ngại đối với tăng trưởng bao gồm dân số giảm và năng suất tăng chậm lại.

IMF khuyến nghị Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách tài khóa trung lập trong năm nay, với các điều chỉnh chính sách tiền tệ bổ sung giúp đảm bảo sự phục hồi trong bối cảnh áp lực lạm phát yếu và tăng trưởng dưới mức tiềm năng.

Tái cơ cấu có trật tự các doanh nghiệp phát triển bất động sản gặp khó khăn cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

Theo nhận định của IMF, với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp và lợi tức đầu tư vốn giảm dần, tăng trưởng trong những năm tới tại Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc thúc đẩy tăng năng suất, hiện đang suy giảm.

Nếu không có các cải cách, IMF ước tính tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 4% trong 5 năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục