Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế

PBOC cho biết việc cắt giảm RRR sẽ có hiệu lực kể từ ngày 5/12, áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%.
Nhân viên ngân hàng kiểm tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương - PBOC) thông báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,25 điểm phần trăm đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện nhằm duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, dồi dào và giảm chi phí tài chính.

PBOC cho biết việc cắt giảm RRR sẽ có hiệu lực kể từ ngày 5/12, áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Quyết định này có khả năng "giải phóng" 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 70,09 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn.

PBOC cũng cho biết sau khi được điều chỉnh giảm, RRR bình quân đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc sẽ ở mức khoảng 7,8%. Ngân hàng này khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, tăng cường hỗ trợ nền kinh tế thực, tránh các biện pháp kích thích kinh tế ồ ạt và sử dụng tốt hơn các công cụ chính sách tiền tệ để điều chỉnh mức lưu thông tiền tệ và hệ thống tiền tệ.

[Thương mại của Trung Quốc tăng 9,5% trong 10 tháng qua]

Số liệu báo cáo của Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 24/10 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 năm nay đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn rất nhiều so với mức tăng ghi nhận trong quý 2 (chỉ tăng 0,4%). Con số 3,9% này cũng vượt xa những dự báo của giới chuyên gia, vốn cho rằng GDP Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng tối đa 3,4% trong quý thứ ba của năm.

Mặc dù vậy, với việc Chính phủ Trung Quốc duy trì chính sách kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn triệt để dịch COVID-19, giới phân tích cho rằng số liệu tích cực trên vẫn khó có thể đưa Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% đề ra cho năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục