Trung Quốc-EU thúc đẩy hợp tác trong một thế giới bất ổn

Quan hệ Trung Quốc-EU luôn được đặc trưng bởi khả năng phục hồi và sức sống mạnh mẽ, thể hiện qua việc lãnh đạo hai bên thường xuyên tiếp xúc, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-EU lần thứ 23 diễn ra trực tuyến, ngày 1/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức vào ngày 1/4.

Tại đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Thủ tướng Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo EU đồng tổ chức hội nghị. Cuộc họp lần này - diễn ra khi thế giới bước vào thời điểm quan trọng - thậm chí mang ý nghĩa lớn hơn trước.

Đại biện lâm thời Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại EU Wang Hongjian đã có bài viết trên trang euractiv.com ngày 31/3 phân tích về sự kiện này.

Quan hệ Trung Quốc-EU luôn được đặc trưng bởi khả năng phục hồi và sức sống mạnh mẽ, thể hiện qua việc lãnh đạo hai bên thường xuyên tiếp xúc, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế lớn và khu vực, cùng sự hợp tác toàn diện hiệu quả.

Thêm vào đó là quan hệ kinh tế và thương mại bền chặt giữa hai bên, đã vượt lên trên những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra và lên một tầm cao mới.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Trung Quốc duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của EU trong năm thứ hai liên tiếp, với kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều tăng 27,5% và đạt kỷ lục 744 tỷ Euro vào năm 2021.

Trên thực tế, Trung Quốc và EU không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm. Tuy nhiên, những khác biệt đó không làm suy yếu sự hợp tác hai bên tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu ở Glasgow hay xung quanh bàn đàm phán về Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Trong tương lai, hai bên không có lý do gì để sự khác biệt lấn át khát vọng chung về hòa bình và ổn định trong một thế giới đầy biến động. Trung Quốc và EU nên là đối tác chiến lược toàn diện hơn là đối thủ hệ thống. Đây là nhận thức cơ bản mà Trung Quốc và EU cần phải tuân theo.

[Trung Quốc và EU: Duy trì đối thoại trong thế giới nhiều biến động]

Về phần mình, Trung Quốc luôn ủng hộ sự hội nhập châu Âu, ủng hộ một EU đoàn kết và thịnh vượng hơn, đồng thời ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu. Trung Quốc luôn tin rằng sự đồng thuận và hợp tác sẽ vượt qua sự khác biệt và cạnh tranh.

Thực tế khắc nghiệt của thế giới ngày nay - bị vùi dập và tổn thương bởi chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và đại dịch - đã kêu gọi Trung Quốc và EU gác lại những khác biệt và đối thoại nửa vời. Chiến tranh bùng nổ gần đây ở lục địa châu Âu là một lời kêu gọi cấp bách cho sự hợp tác Trung Quốc-EU mạnh mẽ hơn.

Là hai thế lực, thị trường và nền văn minh lớn trên toàn cầu, hai bên càng phải đối mặt với những thách thức lớn hơn và càng có trách nhiệm lớn hơn trong việc dẫn dắt thế giới thoát khỏi sự hỗn loạn và càng cần phải hợp tác cùng nhau.

Hợp tác vì hòa bình lâu dài

Trung Quốc và châu Âu đã từng là nạn nhân của các cuộc chiến tranh và từng được hưởng lợi ích của hòa bình và ổn định. Tình hình hiện tại ở Ukraine là điều Trung Quốc không muốn thấy. Kể từ đầu cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Trung Quốc luôn duy trì lập trường khách quan và công bằng, đưa ra các phán quyết độc lập dựa trên giá trị của vấn đề và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Trung Quốc ngay từ đầu đã sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với châu Âu, tiếp tục đóng vai trò xây dựng cùng với tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng và khôi phục hòa bình ở châu Âu.

Hợp tác vì an ninh bền vững

Trung Quốc chủ trương đối thoại và quan hệ đối tác thay vì đối đầu và liên minh. Những người yêu chuộng hòa bình cũng như người Trung Quốc tin rằng an ninh của một quốc gia không nên được đánh đổi bằng an ninh của quốc gia khác.

Đúng như vậy, việc dựng lại những tấm màn sắt, dựng lên những bức tường hoài nghi và cường điệu những luận điệu Chiến tranh Lạnh mới đi ngược lại xu hướng của lịch sử và không thể dẫn đến hòa bình và ổn định.

Thay vào đó, chúng ta cần có một tầm nhìn mới hướng tới an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững nếu muốn đạt được sự an toàn cho tất cả mọi người. Theo tinh thần này, chúng ta cần cảnh giác trước việc chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng tách rời gây chia rẽ thế giới và làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh hiện có.

Hợp tác vì sự phát triển chung

 Nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể phục hồi sau những cú sốc của đại dịch và giờ đây lại bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và những tác động lan tỏa của nó. Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng kinh tế, tị nạn, lương thực, tài chính và năng lượng có thể xảy ra do các lệnh trừng phạt leo thang, Trung Quốc và EU cần tăng cường hơn nữa việc điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-EU lần thứ 23 diễn ra trực tuyến, ngày 1/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất, đã được hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đồng tình và ủng hộ, là một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn khác giữa Trung Quốc và EU.

Thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn

Hai bên cần khai thác đầy đủ tiềm năng của hàng chục cơ chế đối thoại và hợp tác đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ và hoạt động vì sức mạnh tổng hợp lớn hơn giữa hai nền kinh tế.

Khi Trung Quốc và EU theo đuổi chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, hai bên hy vọng sẽ biến những điểm sáng mới trong hợp tác thành động lực mạnh mẽ hơn cho tiến bộ chung. Đây cũng sẽ là những lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU, vốn mang tính bổ sung lẫn nhau và mang lại lợi ích cho sự thịnh vượng của Âu-Á và toàn cầu.

Khi Trung Quốc tiếp tục cải cách và mở cửa, hợp tác với EU sẽ tăng tốc. Trung Quốc hy vọng châu Âu cũng sẽ tuân theo tinh thần của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do để tạo ra một nền kinh tế cởi mở, công bằng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục