Trung Quốc đứng trước sự gia tăng những thách thức kinh tế-xã hội

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng đang ở ngã tư đường.
Trung Quốc đứng trước sự gia tăng những thách thức kinh tế-xã hội ảnh 1Người dân xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 9/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mục tiêu xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại mà Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới đang đứng trước những thách thức, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất bình đẳng thu nhập gia tăng.

Theo Báo cáo tài sản toàn cầu 2021 của Credit Suisse, 1% dân số Trung Quốc sở hữu 30,6% của cải của nước này trong năm 2020, tăng so với mức 20,9% vào năm 2000.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo vào tháng 5/2020, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, 600 triệu dân Trung Quốc có thu nhập hàng tháng 1.000 nhân dân tệ (156 USD).

Đó là hệ quả của việc thực hiện các chính sách cải cách và mở cửa nền kinh tế mà Trung Quốc thực hiện.

Khi nước này vận hành một hệ thống cho phép sự cạnh tranh trên thị trường theo cách không hoàn toàn, những người trở nên giàu có trước tiên nhờ đầu tư vào bất động sản và chứng khoán càng giàu thêm, khiến người nghèo càng gặp khó khăn để có thể vươn lên trong thang bậc xã hội.

[Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 5,5%]

Trong nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng "thịnh vượng chung," tích cực đẩy mạnh các dự án giảm nghèo và can thiệp vào thị trường bất động sản vốn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Các nhà chức trách đang thực hiện các biện pháp nhằm điều chỉnh các mức thu nhập quá cao bằng việc tăng cường giám sát các hoạt động kiếm tiền phi pháp và khuyến khích người giàu và các doanh nghiệp có doanh thu lớn làm thiện nguyện.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng đang ở ngã tư đường, sau khi nước này bắt đầu hạn chế các khoản vay của các công ty bất động sản vào tháng 8/2020.

Với các hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch, nhu cầu trong nước tại Trung Quốc vẫn yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục