Trung Quốc đưa dự báo mới về tăng trưởng kinh tế

Ban Kinh tế học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo tăng trưởng GDP của nước này có thể đạt 7,5% trong năm nay.
Một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2014 vừa công bố ngày 9/2, Ban Kinh tế học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo tăng trưởng GDP của nước này có thể đạt 7,5% trong năm nay, song đã hạ mức dự báo tăng trưởng đầu tư từ 20,1% trong dự báo hồi tháng 12/2013 xuống còn 19%, thấp hơn cả mức của năm 2013.

Viện trên còn dự báo mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong năm 2014 là 3%, tốc độ tăng tiêu dùng danh nghĩa là 13,3%, xuất khẩu ròng tăng 8,5%, lãi suất tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ kỳ hạn một năm duy trì ở mức 3%, tỷ giá hối đoái cuối năm là 5,95 Nhân dân tệ đổi 1 USD, tăng 2,5%.

So với dự báo đưa ra trong “Sách Xanh kinh tế” cuối năm ngoái, số liệu dự báo về CPI đã được điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm, nhịp độ tăng đầu tư danh nghĩa giảm 1,1 điểm phần trăm, mức tăng tiêu dùng đạt 0,2 điểm phần trăm và mức tăng xuất khẩu ròng giảm 0,6 điểm phần trăm.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế kỹ thuật và kinh tế số lượng, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Lý Tuyết Tùng cho rằng từ quý 4/2013 đến nay, tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc đối mặt với áp lực đi xuống.

Năm 2014, nếu các hạng mục lớn không được tiếp tục thì áp lực này sẽ kéo dài. Trung Quốc nhiều khả năng năm 2014 sẽ duy trì được xu hướng tăng nhẹ của đầu tư trong ngành chế tạo, đồng thời duy trì sự tăng trưởng ổn định về đầu tư phát triển nhà đất.

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Lý Dương nhận định kinh tế Trung Quốc hiện đối mặt với năm nguy cơ là kinh tế giảm tốc, giá nhà biến động, công suất dư thừa, tài chính xáo trộn (như vay khó và lãi suất cao), và nợ địa phương tăng cao.

Chuyên gia này nhấn mạnh biện pháp cơ bản giải quyết vấn đề trên vẫn là dựa vào cải cách, đồng thời khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính thế giới chưa kết thúc, chỉ là phát triển sang giai đoạn mới và biện pháp cơ bản giúp các nước trên thế giới thoát khỏi khủng hoảng đều là cải cách./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục