Trung Quốc: Dư luận về Kế hoạch 5 năm phát triển năng lượng tái tạo

9 cơ quan của Trung Quốc ban hành "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo," trong đó nêu rõ tăng sản lượng điện năng lượng tái tạo lên hơn 50% tổng lượng tăng tiêu thụ.
Trung Quốc: Dư luận về Kế hoạch 5 năm phát triển năng lượng tái tạo ảnh 1Nhà máy điện Mặt Trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Caixin.com, ngày 1/6 vừa qua, 9 cơ quan của Trung Quốc bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Tổng cục Năng lượng Quốc gia, Bộ Tài chính… đã ban hành "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo;" trong đó nêu rõ mục tiêu tăng sản lượng điện năng lượng tái tạo lên mức chiếm hơn 50% tổng lượng tăng tiêu thụ điện toàn xã hội, sản lượng điện gió và điện Mặt Trời sẽ tăng gấp đôi.

Tính đến cuối "Kế hoạch 5 năm lần thứ 13," sản lượng điện gió của Trung Quốc là 466,5 tỷ KWH và sản lượng điện Mặt Trời là 261,1 tỷ KWH. Điều này có nghĩa là đến cuối "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14," sản lượng điện gió và điện Mặt Trời của Trung Quốc ước đạt khoảng 1.450 tỷ KWH.

Việc phát triển năng lượng tái tạo trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" thể hiện một số đặc điểm mới về quy mô lớn, tỷ trọng cao, định hướng thị trường và chất lượng cao.

"Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo" phù hợp với "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và Đề cương mục tiêu tầm nhìn 2035" cũng như "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Hệ thống Năng lượng Hiện đại" đã được thực hiện trước đó.

Trong diễn giải của mình, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia tuyên bố rằng không giống như trước đây, "Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo" lần đầu tiên được 9 cơ quan cùng ban hành.

Điều này có tính đến sự phát triển chất lượng cao của năng lượng tái tạo trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" với nhiệm vụ còn gian nan hơn đó là đặt ra những yêu cầu mới đối với các mặt công tác điều tra tài nguyên, sử dụng đất sử dụng biển, dịch vụ khí tượng, môi trường sinh thái và tài chính… Đây là những lĩnh vực cần hoàn thiện chính sách và phối hợp đảm bảo để tạo ra một lực lượng chung thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Tăng nguồn cung và thúc đẩy tiêu thụ

Để nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo, Trung Quốc không những cần tăng mạnh công suất lắp đặt năng lượng tái tạo ở phía nguồn cung, mà còn phải thúc đẩy tiêu thụ và sử dụng với tỷ trọng cao ở phía người tiêu dùng.

Việc phát triển các dự án điện gió và điện Mặt Trời vẫn tiếp tục được thực hiện theo cách phát triển cả tập trung và phân tán. Các dự án cơ sở lớn chủ yếu bao gồm Tân Cương, thượng nguồn sông Hoàng Hà, hành lang Hà-Tây, Dực Bắc, Tùng Liêu, cơ sở năng lượng mới hạ lưu Hoàng Hà, cụm cơ sở điện gió ngoài khơi, cơ sở tích hợp cảnh quan nước Tây Nam... Hình thức phân tán chủ yếu là điện Mặt Trời áp mái tập trung tại các khu công nghiệp, khu phát triển kinh tế, khu khai thác dầu khí, các tòa nhà công cộng và xưởng sản xuất.

Về tiêu thụ, so “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13,” văn bản lần này nêu rõ các chỉ số tiêu thụ năng lượng tái tạo và yêu cầu đến năm 2025 đạt mục tiêu tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo toàn Trung Quốc phải tăng lên khoảng 33%, tỷ trọng đối với việc tiêu thụ điện năng lượng tái tạo không phải thủy điện là 18%. Đây cũng là lần đầu tiên chính sách đưa ra mục tiêu tiêu dùng trung hạn rõ ràng sau dự thảo lấy ý kiến vào đầu năm 2021.

"Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo" là tỷ trọng tiêu thụ điện năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện của địa phương. Theo yêu cầu,Trung Quốc cần thực hiện "tiêu thụ kép và đánh giá kép," qua đó thực hiện hai loại đánh giá trách nhiệm về tỷ trọng tổng tiêu thụ và “phi thủy điện” ở mỗi tỉnh (nghĩa là, các loại hình sản xuất điện từ năng lượng tái tạo khác không phải là thủy điện), yêu cầu hai loại tỷ trọng trách nhiệm đều phải tăng lên hàng năm, hoặc ít nhất là không giảm.

Năm 2021 là năm thứ hai tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo chính thức được thực hiện. Năm nay, mục tiêu tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo tối thiểu trên toàn Trung Quốc là 29,4% và giá trị hoàn thành thực tế là 29,4%. Dựa trên tính toán này, trong 4 năm sau "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14," chỉ số tiêu thụ năng lượng tái tạo “phi thủy điện” cần tăng thêm khoảng 5 điểm phần trăm.

Ngoài phát điện, "Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo" cũng lần đầu tiên đề ra mục tiêu khuyến khích mở rộng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo không tạo ra điện, dự kiến đến cuối “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14," quy mô sử dụng năng lượng tái tạo không tạo ra điện như sưởi ấm bằng năng lượng địa nhiệt, sưởi ấm bằng nhiên liệu sinh khối, sử dụng nhiệt Mặt Trời… sẽ đạt tương đương hơn 60 triệu tấn than tiêu chuẩn.

Định hướng thị trường

Với sự giảm dần chi phí của năng lượng tái tạo như điện gió và điện Mặt Trời, trong giai đoạn "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14," việc phát triển năng lượng tái tạo ở Trung Quốc sẽ được chuyển đổi từ phát triển được hỗ trợ bao cấp trước đây sang phát triển ngang bằng và giá thấp, chuyển đổi từ phát triển theo định hướng chính sách sang phát triển theo định hướng thị trường.

Sự tham gia của năng lượng mới vào thị trường điện là xu hướng chung và là quá trình không thể cưỡng lại. Từ góc độ quốc gia, Trung Quốc hiện có 23 tỉnh gia nhập vào cuộc cạnh tranh thị trường năng lượng mới. Trong số đó, tất cả năng lượng mới ở các địa phương như Thanh Hải, Tứ Xuyên, Vân Nam… đều theo định hướng thị trường, trong khi tỷ trọng định hướng thị trường ở Tân Cương và Cam Túc cũng đã đạt trên 50%.

Trong quý đầu tiên của năm nay, tỷ lệ tiêu thụ năng lượng mới dựa trên thị trường trong khu vực vận hành lưới điện quốc gia tiếp tục tăng lên 37%, tăng 12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thiết kế thị trường điện hiện nay chủ yếu hướng đến các nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện và đặc điểm của việc phát điện bằng năng lượng mới không phù hợp với mô hình thị trường truyền thống.

Về cơ chế thị trường, "Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo" hướng dẫn gỡ bỏ các rào cản hành chính và thị trường, đồng thời xây dựng cơ chế để năng lượng tái tạo tham gia vào các giao dịch thị trường, một mặt thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận mua bán điện nhiều năm giữa nhà sản xuất năng lượng tái tạo với công ty điện và người tiêu thụ, tạo điều kiện cho người tiêu thụ trực tiếp tham gia giao dịch (không cần thông qua cơ quan quản lý điện), đồng thời hoàn thiện các dịch vụ phụ trợ cấp, phân bổ điện và cơ chế giao dịch dựa trên thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục