Tại hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở cửa cho sản phẩm khoai lang trong khi mặt hàng ớt được phép xuất khẩu trở lại.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết đối với sản phẩm khoai lang, Trung Quốc đồng ý xem xét cho Việt Nam xuất khẩu tạm thời sang thị trường này với điều kiện toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra và triển khai các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo không nhiễm 10 loại sinh vật gây hại.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ liên hệ với các địa phương trồng khoai lang như Vĩnh Long, Đắk Lắk, Đắk Nông triển khai các nội dung liên quan đến kỹ thuật để đảm bảo hoàn thiện bộ hồ sơ kỹ thuật gửi sang Trung Quốc.
Ngoài ra, đối với một số tỉnh hiện nay đang chưa có cơ sở đóng gói thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng địa phương thiết lập những cơ sở đóng gói trong thời gian sớm nhất đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc.
Đối với sản phẩm ớt xuất khẩu đi Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng cho biết từ năm 2020, Trung Quốc đã yêu cầu phía Việt Nam phải chủ động tạm dừng xuất khẩu mặt hàng này.
Sau một quá trình gửi hồ sơ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý trước mắt, trong thời gian chờ họ làm phân tích nguy cơ dịch hại, Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam tạm thời xuất khẩu sang nước này.
Việt Nam cần đáp ứng được một trong hai điều kiện của họ. Thứ nhất là ớt sẽ phải được sản xuất từ những vùng không nhiễm ruồi đục quả. Thứ hai là phải được xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.
Ngay chiều 2/6, Cục Bảo vệ thực vật đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan. Sau khi xem xét nghiên cứu, rà soát và nhận thấy biện pháp sản xuất từ vùng không nhiễm dịch hại, không nhiễm ruồi đục quả sẽ rất khó. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai nghiên cứu và thiết kế các thông số kỹ thuật về xử lý kiểm dịch thực vật để gửi sang phía Trung Quốc.
[Rút ngắn thời gian kiểm dịch đối với hoa quả tươi xuất khẩu]
Biện pháp xử lý dự kiến là bằng Methyl Bromide và việc này sẽ phải mất thời gian để thực hành thử nghiệm, bởi lực lượng chức năng sẽ phải thu gom lượng nguyên liệu lớn và làm nhiều lần.
Cục sẽ cố gắng hoàn thành sớm bộ hồ sơ kỹ thuật về xử lý kiểm dịch thực vật sản phẩm ớt để gửi sang phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng hoàn thiện bộ hướng dẫn cho các tỉnh để thiết lập các vùng trồng không nhiễm dịch hại. Đây là biện pháp lâu dài và có tính chất bền vững hơn, bà Hương nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến mặt hàng ớt, bà Nguyễn Thị Thu Hương thông tin Malaysia sau 2 năm tạm dừng cũng đã cho phép Việt Nam xuất khẩu trở lại. Điều kiện của Malaysia là ớt cũng phải được sản xuất từ những vùng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và kiểm soát toàn bộ quá trình từ lúc trồng đến cơ sở đóng gói, xuất khẩu. Cục đã có văn bản gửi các địa phương, doanh nghiệp triển khai các nội dung này.
"Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi đến các địa phương gần một tháng qua nhưng đến nay chưa có địa phương nào phản hồi lại. Trong khi đó, theo báo chí, có rất nhiều vùng đang cần phải tiêu thụ ớt, giá ớt xuống thấp," bà Hương bày tỏ.
Bà Hương đề nghị các tỉnh phải tích cực trong việc cùng với Cục Bảo vệ thực vật hoàn thiện các hồ sơ kỹ thuật. Vì các thị trường nhập khẩu hiện nay đều yêu cầu phải quản lý cụ thể từ từng vùng trồng, từng cơ sở đóng gói.
Do vậy, trách nhiệm của địa phương rất lớn trong việc thường xuyên giám sát, đôn đốc, đảm bảo sản phẩm của địa phương đáp ứng đủ, đúng với yêu cầu của các nước xuất khẩu sản phẩm./.