Ô nhiễm không khí, khói bụi, béo phì và tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân cướp đi 4,7 triệu sinh mạng ở Trung Quốc mỗi năm, gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD cho quốc gia này.
Đây là kết quả nghiên cứu của ba nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc công bố mới đây trên tạp chí The Lancet của Anh.
Nghiên cứu cho biết Trung Quốc đã đạt bước tiến lớn trong lĩnh vực y tế, nâng tuổi thọ trung bình của người dân từ 40 tuổi năm 1950 lên 76 tuổi năm 2011 và loại trừ nhiều căn bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, nguy cơ chết non hay mắc bệnh vì ô nhiễm, thuốc lá, tai nạn giao thông và mắc bệnh vì lối sống lại trở nên trầm trọng hơn trước đây.
Cụ thể, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì ngộ độc khói từ nhiên liệu rắn trong nhà, 1,2 triệu người khác chết vì ngộ độc các hạt nguyên chất thải ra không khí bên ngoài.
Thiệt hại kinh tế đối với người dân thành phố do ô nhiễm không khí ước tính ở mức 341 tỷ nhân dân tệ (55 tỷ USD) năm 2006.
Khói bụi khiến khoảng 1,4 triệu người chết trẻ mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế khoảng 41 tỷ nhân dân tệ (6,67 tỷ USD) tính theo giá trị năm 2000.
Tai nạn cướp đi trên 800.000 sinh mạng mỗi năm (trong đó riêng giao thông đường bộ là 275.000 người trong năm 2010).
Béo phì giết chết 363.000 người mỗi năm, chủ yếu do chỉ số mỡ máu cao, nguyên nhân dẫn đến các bệnh như tim mạch, tiểu đường và một vài bệnh khác. Thiệt hại kinh tế năm 2003 vì chứng bệnh này là 21 tỷ nhân dân tệ (3,42 tỷ USD).
Các nhà nghiên cứu cho rằng những nước giàu đã từng hứng chịu hậu quả như "tác dụng phụ" của đời sống hiện đại ngày càng thịnh vượng, Trung Quốc có cơ hội tránh lặp lại gánh nặng do những tác dụng này gây ra bằng cách can thiệp kịp thời và hiệu quả./.