Trung Quốc đối mặt với bài toán nồng độ ozone gần mặt đất tăng cao

Nồng độ ozone gần mặt đất trong không khí, một chất gây hại cho lá phổi của con người, đã lên tới mức cao kỷ lục tại Trung Quốc, tăng 11% so với cùng thời điểm năm 2017.
Khói mù bao phủ Bắc Kinh. (Nguồn: Getty Images)

Trong tháng 6 vừa qua, nồng độ ozone gần mặt đất trong không khí, một chất gây hại cho lá phổi của con người, đã lên tới mức cao kỷ lục tại Trung Quốc, tăng 11% so với cùng thời điểm năm 2017.

Ngày 18/7, tổ chức môi trường Greenpeace công bố số liệu cho biết nồng độ ozone trung bình ở thủ đô Bắc Kinh là 120 microgram/m3 trong tháng 6, gấp đôi tỷ lệ tại các "điểm nóng" về ozone như California (Mỹ) và thủ đô Mexico City của Mexico.

Trước đó một ngày, Bộ Môi trường Trung Quốc đã cảnh báo mức độ ô nhiễm ozone sẽ đặc biệt cao tại khu vực quanh thủ đô Bắc Kinh trong 10 ngày tới.

Theo các chuyên gia của Greenpeace, thực tế này cho thấy cuộc chiến chống tình trạng ô nhiễm không khí trong 4 năm qua của chính quyền thành phố Bắc Kinh dù đã đạt những kết quả ban đầu song vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Một nghiên cứu do trường Đại học Bắc Kinh công bố hồi tháng 4 cho biết nồng độ ozone tăng 40% hoặc hơn tại 10 thành phố phía Bắc Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2017, bất chấp các biện pháp mạnh làm sạch các ngành công nghiệp và giao thông.

Theo nghiên cứu này, các nỗ lực nhằm giảm các hạt vật chất trôi nổi trong không khí thực tế đã làm tăng cường độ ánh sáng mặt trời, qua đó tạo thêm nhiều khí ozone hơn.

[Trung Quốc chìm trong khói mù, không thấy bầu trời]

Các chuyên gia kêu gọi Trung Quốc đặt ưu tiên giảm mức độ ô nhiễm ozone trong kế hoạch mới nhất về ngăn chặn khói mù, dự kiến triển khai trong 3 năm tới và được công bố hồi tháng 6.

Chất ozone gần mặt đất được hình thành từ các chất khí tạo ra trong quá trình sản xuất công nghiệp, hoạt động của giao thông và từ sự tương tác của ánh nắng mặt trời với nitrogen dioxide (NO2) và các hóa chất hữu có dễ bay hơi (VOCs). Nồng độ ozone gần mặt đất trong không khí cao làm gia tăng nguy cơ tim ngừng đập và các bệnh về đường hô hấp.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhất và việc phơi nhiễm lâu ngày có thể gây ra bệnh hen và phát triển phổi không bình thường.

Dẫn các con số từ cơ sở dữ liệu của tổ chức Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu, Greenpeace cho biết phơi nhiễm ozone gây ra khoảng 70.000 trường hợp chết yểu tại Trung Quốc trong năm 2016.

Trong bầu khí quyển, ozone chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tập trung ở vùng bình lưu có nhiệm vụ ngăn cản hầu hết các bức xạ tử ngoại có hại từ mặt trời.

Tuy nhiên, khi ở tầng đối lưu, ozone lại là hợp chất đặc biệt nguy hiểm, có tác động mạnh đến quá trình oxy hóa, phá vỡ hệ sinh thái, gây tác động xấu đến sức khỏe con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục