Theo tờ Wall Street Journal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tập trung vào các mối quan hệ giữa các ngân hàng nhà nước và các định chế tài chính với các công ty tư nhân lớn, mở rộng nỗ lực nhằm kiềm chế các lực lượng tư bản trong nền kinh tế nước này.
Một cuộc tổng kiểm tra theo quy định đã được tiến hành vào cuối năm ngoái nhằm vào các "gã khổng lồ" công nghệ tư nhân.
Các cuộc thanh tra toàn diện các tổ chức tài chính được công bố trong tháng Chín vừa qua với rất ít thông tin chi tiết được tiết lộ.
Theo những người am hiểu về kế hoạch này, các cuộc thanh tra tập trung vào việc liệu các ngân hàng quốc doanh, quỹ đầu tư và cơ quan quản lý tài chính có trở nên quá "thân thiết" với các công ty tư nhân, đặc biệt là một số công ty gần đây đang bị điều tra như tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group, công ty ứng dụng gọi xe Didi Global và công ty công nghệ tài chính Ant Group.
[Ẩn ý sâu xa của việc Trung Quốc tăng cường giám sát các ngành nghề]
Cuộc thanh tra - do cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đứng đầu và tập trung vào 25 định chế tài chính trung tâm của nền kinh tế nước này - là cuộc thanh tra quy mô nhất trong lĩnh vực tài chính.
Đây là một phần trong nỗ lực nhằm chèo lái hệ thống kinh tế Trung Quốc thoát khỏi mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu phương Tây trong quá trình chuẩn bị cho sự chuyển giao lãnh đạo vào cuối năm tới.
Bắt đầu từ tháng này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đã tiến hành thanh tra văn phòng của 25 tổ chức nhà nước, xem xét các hồ sơ cho vay, đầu tư và các hồ sơ quy định; đồng thời chất vấn về cách thức các giao dịch hoặc quyết định nhất định liên quan đến các công ty tư nhân đã được thực hiện.
Những cá nhân bị nghi ngờ tham gia các giao dịch không phù hợp có thể sẽ bị chính thức điều tra và có khả năng bị buộc tội sau đó, trong khi bất kỳ thực thể nào bị phát hiện đi chệch hướng sẽ bị kỷ luật.
Ban lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ căn cứ vào kết quả thanh tra để quyết định xem có nên cắt giảm mức thù lao của các giám đốc điều hành tại các công ty tài chính nhà nước này hay không.
Một số quan chức tại Bộ Tài chính, đơn vị tài trợ cho các tổ chức tài chính nhà nước lớn đã thúc đẩy việc cắt giảm thù lao này do mức bồi thường trong lĩnh vực tài chính được coi là quá cao so với các ngành khác.
Theo bài viết, việc thanh tra trong lĩnh vực tài chính được thực hiện khi Trung Quốc cũng đang cố gắng giải quyết sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các công trình xây dựng đang ngập trong nợ nần, vốn gây ra sự bất ổn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết, trong bối cảnh không chắc chắn, nhiều ngân hàng đã ngừng hoạt động cung cấp tín dụng dành cho các nhà phát triển tư nhân và các doanh nghiệp khác.
Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Khi sự không chắc chắn tăng lên, cách phản ứng duy nhất là ngừng làm những gì bạn đang làm."
Tuy nhiên, sự suy giảm hoạt động kinh tế trong khu vực tư nhân - từ những "gã khổng lồ" công nghệ không chắc chắn về môi trường pháp lý cho đến các nhà phát triển tư nhân bị cắt đứt các khoản cho vay - cho thấy một tình thế khó xử đối với Chính phủ Trung Quốc.
Ông Pettis nhận xét không có các khoản cho vay ‘xấu,’ bạn sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng. Điều đó có thể buộc chính phủ phải can thiệp với chính sách kích thích lâu nay là tăng cường cho vay của nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, điều này có thể làm trầm trọng thêm sự mất cân đối mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết giải quyết, cụ thể là chấm dứt tình trạng cho vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân.
Một số quan chức cho biết, mục tiêu là ngăn chặn việc các doanh nghiệp tư nhân lớn thâu tóm khu vực tài chính và tập đoàn lớn khác đe dọa ảnh hưởng của nhà nước.
Ví dụ, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã giúp tài trợ cho các thương vụ mua lại của tập đoàn vận tải và tài chính khổng lồ HNA Group ở nước ngoài. HNA Group năm ngoái đã tuyên bố phá sản do gánh nặng nợ nần chồng chất. Chủ tịch HNA Group Trần Phong gần đây đã bị tạm giữ vì nghi ngờ phạm tội hình sự.
Đặc biệt, việc các ngân hàng nhà nước cung cấp khoản vay dành cho tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande cũng sẽ bị thanh tra. Từng là "con cưng" trong ngành, Evergrande hiện đang phải đối mặt với một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc khi phải vật lộn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Một trong những nhà cho vay chính của Evergrande là tập đoàn tài chính Citic Group, hiện cũng đang bị thanh tra.
Trong vài năm qua, bất chấp những cảnh báo liên tục của Chính phủ Trung Quốc về việc cho vay bất động sản, Citic đã cung cấp các khoản vay trị giá hơn 10 tỷ USD cho Evergrande.
Xie Hongru - người từng điều hành văn phòng của Citic Bank ở phía Nam thành phố Quảng Châu, gần trụ sở chính của Evergrande ở Thâm Quyến - đã bị các quan chức kỷ luật của đảng điều tra kể từ tháng trước.
Ngoài ra, những thể chế cho vay lớn khác của nhà nước đối với Evergrande, bao gồm ngân hàng thuộc sở hữu của tập đoàn China Everbright Group và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, một trong bốn ngân hàng lớn của đất nước, cũng đang bị thanh tra tài chính.
Các thanh tra viên cũng sẽ kiểm tra xem làm thế nào mà một nhóm quỹ nhà nước, bao gồm quỹ đầu tư tài chính quốc gia China Investment Corp (CIC) và những quỹ do các ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn điều hành, lại có thể đầu tư vào các công ty tư nhân mà hiện đang là trung tâm của cuộc điều tra giám sát.
"Những khoản đầu tư đó đại diện cho lợi ích của nhà nước hay lợi ích của một vài cá nhân? Đó là một câu hỏi quan trọng," một người dân cho biết.
CIC, vốn có nhiệm vụ tìm kiếm các giao dịch ở bên ngoài Trung Quốc, đã đầu tư vào Ant Group và Didi Global, công ty ứng dụng gọi xe đang bị dính vào một cuộc điều tra an ninh mạng sau khi tiến hành chào bán cổ phiếu ở New York vào cuối tháng Sáu vừa qua. CIC, có tài sản khoảng 1.000 tỷ USD, đã thành lập một văn phòng để hợp tác với các thanh tra…
Bài viết cho rằng một cuộc thanh tra quy mô lớn như vậy có thể khiến hệ thống tài chính của nước này thậm chí còn khó tiếp cận hơn đối với các công ty tư nhân nhỏ hơn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu vốn.
Sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 2015, công an Trung Quốc đã điều tra các cơ quan giám sát chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc và các công ty môi giới do nhà nước hậu thuẫn để xem liệu các cơ quan quản lý có bắt tay với các công ty để thúc đẩy việc bán tháo cổ phiếu trong một "cuộc đảo chính tài chính" bị nghi ngờ nhằm gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Cuộc điều tra đó cuối cùng đã khiến một số nhà quản lý, giám đốc điều hành ngân hàng và các nhà đầu tư bị cáo buộc trục lợi từ thông tin nội bộ phải ngồi tù.
Đồng thời, Trung Quốc cũng phải tạm dừng tiến hành một số thay đổi đã được chờ đợi từ lâu, chẳng hạn như những điều chỉnh nhằm giúp các công ty tư nhân bán cổ phần dễ dàng hơn./.