Trung Quốc đi 'nước đôi' trong vấn đề Triều Tiên: Mỹ nên làm gì?

Theo trang mạng nationalinterest.org, trong khi hối thúc Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa, Mỹ nên lưu ý nhiều hơn tới “ảnh hưởng sống còn” của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đi 'nước đôi' trong vấn đề Triều Tiên: Mỹ nên làm gì? ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng nationalinterest.org, khi hối thúc Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa, Mỹ nên lưu ý nhiều hơn tới “ảnh hưởng sống còn” của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng.

Là đồng minh và láng giềng của Triều Tiên, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược "hai gọng kìm" của Mỹ nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, đó là vừa gây sức ép về kinh tế một cách tối đa, vừa chìa cánh tay ngoại giao.

Mỹ nên yêu cầu Trung Quốc ngừng ngầm tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và chỉ ra những dấu vết mà đồng tiền của chế độ Kim chạy qua Trung Quốc.

Toàn bộ kim ngạch thương mại của Triều Tiên chảy qua Trung Quốc. Ngược lại, giao thương với Triều Tiên là một nguồn thu quan trọng đối với nhiều thành phố của Trung Quốc giáp biên giới với Triều Tiên.

Ở một khu vực chủ yếu dựa vào than đá và sản xuất, các công ty và quan chức chính quyền địa phương dựa vào hoạt động thương mại với Triều Tiên để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng.

40% giao thương ở Đan Đông, một thành phố vùng biên của Trung Quốc, là đến từ Triều Tiên, điều đó giải thích tại sao rất nhiều công ty đặt trụ sở tại Đan Đông bị trừng phạt do giao thương với Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc và luật pháp của Mỹ.

Ví dụ, công ty phát triển công nghiệp Đan Đông Hongxiang đã giao dịch lên tới 500 triệu USD với Triều Tiên trước khi bị Mỹ trừng phạt hồi tháng 9/2016.

[Vai trò của Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên]

Loại hình hoạt động kinh doanh này được lập lại ở các tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm. Rõ ràng, nhiều công ty Trung Quốc không tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Một lý do quan trọng giải thích tại sao có quá nhiều trừng phạt Trung Quốc lại đơn thuần là về vấn đề thương mại.

Các quan chức chính quyền địa phương phải đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc và sẽ tìm mọi cách để đáp ứng mục tiêu, kể cả thổi phồng các con số tăng trưởng, hủy hoại môi trường, hay như ở Đan Đông, khai thác giao thương với Triều Tiên.

Một công ty khác, Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghiệp Đan Đông Dongyuan, đã xuất khẩu hơn 28 triệu USD giá trị các mặt hàng liên quan đến các lò phản ứng hạt nhân cho Triều Tiên trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016.

Trong khi một số quan chức chính quyền địa phương có thể không coi trọng các nghĩa vụ của Trung Quốc đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các quan chức khác sẵn sàng tuân theo.

Ngoài các lợi ích tăng trưởng ở trong nước, Trung Quốc cũng giành được sự ủng hộ của quốc tế vì có cách nhìn khác trong giao thương với Triều Tiên và cũng để tránh một cuộc đối đầu vũ khí hạt nhân.

Một cuộc đối đầu hạt nhân sẽ tạo ra một làn sóng tị nạn từ Triều Tiên chạy sang Trung Quốc, là gánh nặng tài chính đối với nước này.

Sự sụp đổ của Triều Tiên cũng sẽ loại bỏ một vùng đệm lâu nay giữa Trung Quốc và các lực lượng quân đội phương Tây ở Hàn Quốc, làm tăng khả năng sự hiện diện quân đồng minh Mỹ ở ngay sát các vùng biên của Trung Quốc.

Ngược lại, Trung Quốc có ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán với các nước này về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên do bởi mối quan hệ thân thiết Trung-Triều.

Vào cuối năm 2017, khi Trung Quốc thông báo ngăn chặn các hoạt động biên giới phi pháp, tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên đã giảm 37%. Việc chi phối quá mức này của Trung Quốc đối với nền kinh tế Triều Tiên và nói rộng ra là các chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể giúp Trung Quốc nhận được những nhượng bộ từ Mỹ trong các vấn đề khác.

Khi Mỹ và Trung Quốc bước vào một cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt hơn, các cuộc đàm phán chính thức về tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đã trở nên nhạt nhòa.

Điều này cho thấy Trung Quốc đã gắn các vấn đề thương mại với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, từ chối sử dụng ảnh hưởng của mình khi các cuộc đàm phán khác không thuận lợi.

Mỹ không nên chấp nhận trò chơi nước đôi này. Trong quá trình thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, Mỹ nên yêu cầu Trung Quốc không tạo điều kiện cho Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí và hạt nhân, đồng thời phải liên tục nêu những vấn đề này trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Về mặt quốc tế, Bộ Tài chính Mỹ cũng nên tiếp tục ưu tiên giải quyết các vấn đề tài trợ phổ biến vũ khí hạt nhân trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình tại Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF), cơ quan đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu về quy định tội phạm tài chính, đặc biệt bởi vì Trung Quốc sẽ đảm nhiệm chức vụ chủ tịch FATF vào tháng 7 tới.

Bộ Tài chính Mỹ cũng nên làm việc với các thực thể tài phán khác ở gần Trung Quốc, chẳng hạn Hong Kong và Singapore, để khuyến khích sự hợp tác hơn nữa trong việc ngăn chặn tài trợ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Mỹ có thể xem xét thúc đẩy quan hệ đối tác với hai nước này, kết hợp với dữ liệu tài chính và thương mại để hiểu rõ vấn đề tài trợ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Khi Mỹ tiếp tục “chiến đấu” với cái mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis gọi là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất,” nước này nên nhấn mạnh vấn đề tài trợ phổ biến vũ khí hạt nhân và vai trò của Trung Quốc trong việc tạo ra một mạng lưới tài chính phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục