Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ngày 13/12 cho biết tập đoàn này đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên biên giới Trung-Nga - dự án hợp tác năng lượng lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước.
Thông báo của CNPC nêu rõ, hoạt động xây dựng phần phía Bắc thuộc tuyến đường ống dẫn khí đốt phía Đông dài 3.371km đã được khởi động. Tuyến đường ống dẫn khí đốt phía Đông xuất phát từ tỉnh Hắc Long Giang và kết thúc tại thành phố Thượng Hải. Hoạt động xây dựng tuyến đường ống này đã bắt đầu từ tháng 6/2015 và sẽ kết thúc vào năm 2020.
Sau khi hoàn thành công tác xây dựng, tuyến đường ống phía Đông sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm từ Nga. Theo đánh giá của phía Trung Quốc, tuyến đường này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chính sách tối ưu hóa cơ cấu năng lượng, cắt giảm lượng phát thải và cải thiện chất lượng không khí của nước này.
[Nga và Trung Quốc hoãn dự án khí đốt Sức mạnh Siberia - 2]
Nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên tại Trung Quốc đang gia tăng đột biến do hàng triệu hộ gia đình đã chuyển sang sử dụng khí đốt thay cho than đá để sưởi ấm trong mùa Đông năm nay nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ về việc nỗ lực đẩy lùi tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nước này sẽ nâng tỷ lệ sử dụng khí đốt tự nhiên trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của toàn bộ nền kinh tế lên 10% cho tới năm 2020 và 15% tới năm 2030.
Báo cáo ngày 12/12 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh, nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh từ nay đến năm 2040, và cao hơn 43% so với năng lực sản xuất trong nước./.