Trung Quốc đầu tư tới 30 tỷ euro vào các dự án năng lượng tái tạo

Không chỉ gia tăng đầu tư trong nước vào các nguồn năng lượng carbon thấp, với những khoản ngân sách đáng kể, Trung Quốc còn đẩy mạnh cả đầu tư ra nước ngoài.
Trung Quốc đầu tư tới 30 tỷ euro vào các dự án năng lượng tái tạo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Barcroft Images)

Đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo trong năm 2016 đã tăng 60% so với năm 2015, với 30 tỷ euro được đầu tư vào nhiều dự án khác nhau.

Báo cáo của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (Intitute for energy economics and financial analysis- IEEFA), công bố ngày 6/1 cho biết Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong năm 2016 đã tỏ ra ra năng động hơn bao giờ hết trong các dự án ở nước ngoài với 30 tỷ euro được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng hoặc góp vốn.

Số vốn 30 tỷ euro này tăng 60% so với con số đầu tư 19 tỷ của năm 2015, cũng theo thông tin từ IEEFA. Thống kê này của IEEFA có tính đến các dự án trên 1 tỷ USD, kể cả các dự án đập thủy điện.

Chuyên gia Tim Buckley, một trong các tác giả của bản báo cáo của IEEFA, cho biết không dừng lại ở việc gia tăng đầu tư trong nước vào các nguồn năng lượng carbon thấp, với những khoản ngân sách đáng kể, Trung Quốc còn đẩy mạnh cả đầu tư ra nước ngoài.

Theo các số liệu công bố hôm 5/1 của Bắc Kinh, sự gia tăng các khoản đầu tư trong năm 2016 là nhằm thực hiện kế hoạch 5 năm của Trung Quốc (2016-2020), trong đó dự kiến đầu tư tổng số 341 tỷ euro trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm ngoái, vốn đầu tư lớn nhất (12,3 tỷ euro) của Trung Quốc đã được thực hiện ở Brazil với việc tham gia góp cổ phần 24% tại công ty CPFL Energia SA.​

Mười dự án đầu tư khác đã được tiến hành tại Australia, Chile, Pakistan, Indonesia, Đức, Ai Cập và Việt Nam.

Các dự án nhận đầu tư của Trung Quốc chủ yếu trong các lĩnh vực như sản xuất lithium (tham gia cổ phần với nhà sản xuất Chile, SQM) – đặc biệt được sử dụng trong các loại pin cho xe chạy bằng năng lượng điện, sản xuất pin năng lượng mặt trời (tại Việt Nam), sản xuất các module quang điện (tại Đức), hay các dự án thủy điện.

Ông Buckley đánh giá tốc độ và sự tăng trưởng trong đầu tư của Trung Quốc khiến cho quốc gia này hiện vượt lên Mỹ để chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong toàn ngành công nghiệp năng lượng sạch, và những quan điểm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc ưu tiên sử dụng than đá và khí đốt lại một lần nữa khiến dự báo những đầu tư tương lai của Mỹ cho năng lượng tái tạo trở nên không khả quan.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Bloomberg New Energy Finance, năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 97 tỷ euro vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (bao gồm cả các dự án nghiên cứu), gấp 2,5 lần so với khoản đầu tư của Mỹ. Mặc dù có những khoản đầu tư kỷ lục về năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt), sản xuất năng lượng ở Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào than đá.

Từ nay đến năm 2020, Chính phủ Trung Quốc dự kiến giảm thị phần năng lượng từ than đá, vốn ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng không khí và phát thải khí nhà kính, từ 62% xuống dưới 58%. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục