Trung Quốc đặt mục tiêu thương mại hóa mạng 6G vào khoảng năm 2030

Để thực hiện mục tiêu, Bộ Công nghiệp-Công nghệ thông tin Trung Quốc chỉ đạo lập Nhóm thúc đẩy mạng 6G nhằm cung cấp bảo đảm chính sách cho sự phát triển đổi mới 6G, hình thành bộ tiêu chuẩn về 6G.
Ảnh minh họa (Nguồn: VCG)

Trung Quốc sẽ đẩy nhanh nghiên cứu phát triển và sáng tạo công nghệ 6G, phấn đấu đạt mục tiêu thương mại hóa vào khoảng năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã chỉ đạo thành lập Nhóm thúc đẩy mạng 6G nhằm cung cấp bảo đảm chính sách cho sự phát triển đổi mới 6G và thúc đẩy hình thành bộ tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu về 6G.

Trưởng nhóm thúc đẩy mạng 6G, ông Vương Chí Cần cho biết công nghệ 6G thực tế là công nghệ mới được nâng cấp từ các thế hệ công nghệ 5G; đối với 6G, thời gian chuẩn hóa là vào năm 2025 và thời gian thương mại hóa là vào khoảng năm 2030.

Trong tương lai, mạng 6G sẽ là một thế giới được kết nối đầy đủ tích hợp thông tin liên lạc vệ tinh và không dây trên mặt đất. Mạng 6G trong tương lai sẽ không chỉ nhanh hơn và đáng tin cậy hơn 5G mà còn thúc đẩy sự hội tụ giữa truyền thông di động và trí tuệ nhân tạo (AI), nhận thức, điện toán và nhiều lĩnh vực khác.

Trưởng nhóm thúc đẩy mạng 6G cho biết Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm công nghệ 6G từ năm 2022 và đã liên tiếp thực hiện nghiên cứu về kiến trúc hệ thống cũng như các giải pháp kỹ thuật 6G trong năm 2023, tất cả đều đặt nền móng cho bước tiến tiếp theo của 6G, chuyển từ Internet vạn vật sang Internet vạn vật thông minh.

Trước đó, MIIT thông báo đã phân bổ băng tần 6GHz cho các hệ thống 5G và 6G.
Băng tần 6GHz là tài nguyên chất lượng cao duy nhất có băng thông lớn ở băng tần trung, có lợi thế về vùng phủ sóng và dung lượng.

MIIT cho biết phạm vi của băng tần 6GHz đặc biệt phù hợp cho việc triển khai các hệ thống 5G hoặc 6G trong tương lai.

Liên quan đến việc phát triển mạng 5G hiện nay, theo báo cáo của MIIT, tính đến hết tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào sử dụng gần 3,22 triệu trạm gốc 5G.

Trung bình cứ 10.000 người dân có khoảng 22,6 trạm gốc 5G phục vụ kết nối. Tại Trung Quốc, 5G được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, khai thác, lưới điện, cảng, thép và cả chăm sóc sức khỏe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục