Trung Quốc đang tạo ra thực tế mới tại biên giới với Ấn Độ?

Bất chấp một số vòng đàm phán ngoại giao và quân sự, tiến độ giải giáp quân đội vẫn rất chậm và hiện vẫn còn khoảng 50.000-60.000 binh lính được triển khai ở mỗi bên của LAC giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc đang tạo ra thực tế mới tại biên giới với Ấn Độ? ảnh 1Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, ngày 22/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang eurasiareview.com, sau cuộc xung đột ở thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, mối quan hệ Trung-Ấn đã trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất.

Bất chấp một số vòng đàm phán ngoại giao và quân sự, tiến độ giải giáp quân đội vẫn rất chậm và hiện vẫn còn khoảng 50.000-60.000 binh lính được triển khai ở mỗi bên của Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Mặc dù hai bên vẫn đang tiếp tục các cuộc đàm phán, song Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các ngôi làng gần các khu vực biên giới. Trong gần một năm qua đã có nhiều báo cáo về các hoạt động này, nhưng điều một lần nữa thu hút sự chú ý của cộng đồng chính sách Ấn Độ và giới truyền thông chính là báo cáo hàng năm mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Tháng 1/2021, Trung Quốc tuyên bố rằng việc nước này xây dựng ngôi làng ở bang Arunachal Pradesh là “không có gì đáng chê trách” vì họ “chưa bao giờ công nhận” chủ quyền của bang Arunachal Pradesh.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, “trong năm 2020, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã xây dựng một ngôi làng lớn gồm 100 gia đình bên trong lãnh thổ tranh chấp giữa Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc và bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ ở khu vực phía Đông của LAC.”

Ấn Độ hiện đối mặt với tình thế khó khăn. Một mặt, theo một số nhà bình luận Ấn Độ, ngôi làng này được xây dựng trong phần lãnh thổ đã được quân đội Trung Quốc kiểm soát kể từ năm 1959. Ấn Độ khó có thể ngăn Trung Quốc xây dựng ngôi làng mà không tiến hành hành động quân sự.

Cùng với đó, Trung Quốc đã phát triển cơ sở hạ tầng dọc theo các phần lãnh thổ khác mà Ấn Độ có tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát.

Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, những nỗ lực ngoại giao trước đây của Ấn Độ dường như cũng trở nên vô ích. Ấn Độ và Trung Quốc trước đây đã đồng ý rằng bất kỳ giải pháp cuối cùng nào về vấn đề biên giới sẽ không được ảnh hưởng đến những người dân định cư.

[Đàm phán Trung Quốc-Ấn Độ về biên giới Ladakh không đạt tiến triển]

Bằng cách xây dựng các ngôi làng mới và đưa người dân đến ở, Trung Quốc đang tạo ra những thực tế mới trên thực địa để có thể khiến bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai càng trở nên khó khăn hơn. Liệu đây có phải là những ngôi làng dân sự thuần túy hay là nơi dân quân tự vệ sinh sống? Trung Quốc luôn tuyên bố rằng ngôi làng này là không thể bị xâm phạm và phần lãnh thổ này không thể đưa ra thương lượng nữa.

Ấn Độ hiện chưa có phản hồi chính thức. Câu hỏi quan trọng ở Ấn Độ là liệu các hành động của Trung Quốc có làm thay đổi hiện trạng ở khu vực biên giới và liệu Ấn Độ có mất thêm phần lãnh thổ hay không? Những người chỉ trích chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những câu hỏi như vậy.

Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ Ấn Độ cho rằng điều này không liên quan đến việc để mất bất kỳ lãnh thổ mới nào vì việc xây dựng đang diễn ra trên các lãnh thổ vốn từ lâu đã nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc. Rõ ràng, điều này khó có thể được giải quyết vì có một yếu tố thực tế từ cả hai phía.

Trung Quốc đang tạo ra thực tế mới tại biên giới với Ấn Độ? ảnh 2Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Trung Quốc, ngày 24/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù đây đúng là phần lãnh thổ đã thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, và Ấn Độ không thể ngăn chặn Trung Quốc xây dựng ngôi làng, nhưng có một thực tế rằng nếu không thực hiện các hành động quân sự, hoạt động xây dựng của Trung Quốc sẽ làm thay đổi cục diện tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Ấn Độ có lẽ nên chỉ trích mạnh mẽ hơn những hành động như vậy bởi vì luôn có khả năng Trung Quốc lặp lại chiến thuật này dọc theo các phần lãnh thổ tranh chấp khác.

Trong khi Ấn Độ không đưa ra khiếu nại nào có khả năng tác động đến hành vi của Trung Quốc, việc nước này không phản đối cũng đồng nghĩa là Ấn Độ chấp nhận những thay đổi như vậy và Trung Quốc sẽ hợp pháp hóa quyền kiểm soát đối với các phần lãnh thổ này.

Điều này cũng đặt ra những câu hỏi chung về cách tiếp cận tổng thể của Ấn Độ đối với tranh chấp Ấn-Trung trong năm qua. Hành xử của Ấn Độ mang tính phòng thủ trên cả lĩnh vực ngoại giao và quân sự, trong khi Trung Quốc sử dụng giọng điệu và thực hiện các hành động quân sự cực kỳ hiếu chiến.

Ấn Độ đã một lần áp dụng cách tiếp cận tấn công khi họ sử dụng hành động quân sự ở dãy Kailash khiến Trung Quốc rơi vào thế phòng thủ và buộc nước này phải tiến tới Thỏa thuận hồ Pangong. Tuy nhiên, ngoại trừ vụ việc đó, dù Ấn Độ thẳng thừng tuyên bố rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, song New Delhi cũng không hề buộc Trung Quốc phải chịu bất kỳ tổn thất nào.

Một tổn thất nghiêm trọng hơn của Ấn Độ là việc nước này mất quyền tiếp cận đáng kể một số điểm tuần tra ở khu vực Ladakh. Trung tướng Panag, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Ấn Độ, đã liệt kê ít nhất 9 điểm tuần tra ở khu vực “ngón tay” (Finger area) của hồ Pangong và phía Nam khu vực Demchok mà Ấn Độ không còn tiếp cận được.

Có vẻ như giờ đây Ấn Độ không thể tuần tra các khu vực này vì Trung Quốc đã triển khai quân tới đây và cắt đứt quyền tiếp cận của các lực lượng tuần tra của Ấn Độ. Điều này chắc chắn quan trọng hơn việc xây dựng ngôi làng ở Arunachal Pradesh. Đây dường như là sự mất mát lớn hơn nhiều trong vấn đề lãnh thổ của Ấn Độ với Trung Quốc.

Nhìn chung, căng thẳng Trung-Ấn bắt đầu từ năm 2020 dường như sẽ không có khả năng sớm kết thúc. Bất chấp những nỗ lực của Ấn Độ, có vẻ như Trung Quốc cũng không đặc biệt quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp./.

Trung Quốc đang tạo ra thực tế mới tại biên giới với Ấn Độ? ảnh 3Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Trung Quốc, ngày 24/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục