Trung Quốc đang mở "Con đường Tơ lụa" mới trong không gian

Cách đây nửa thế kỷ, Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ. Hiện giờ, công nghệ không gian và vệ tinh đã trở thành một trọng tâm trong dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng của nước này.
Trung Quốc đang mở "Con đường Tơ lụa" mới trong không gian ảnh 1Trung Quốc phóng vệ tinh viễn thông APSTAR-6C lên quỹ đạo. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Trang mạng qz.com, cách đây nửa thế kỷ, Trung Quốc đã phóng vệ tinh đầu tiên của mình vào vũ trụ. Hiện giờ, công nghệ không gian và vệ tinh đã trở thành một trọng tâm trong dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng của quốc gia này.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), một dự án được đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng và ưu ái thúc đẩy, đặt mục tiêu xây dựng các cơ sở hạ tầng có tổng trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD trải dài từ châu Á, tới châu Phi và châu Âu, bao trùm nhiều tuyến đường biển trọng yếu.

Với phạm vi phủ dài trên khoảng 70 quốc gia, BRI là một kế hoạch khổng lồ gồm các khoản chi tiêu (và cả cho vay) từ Trung Quốc nhằm đầu tư cho các dự án đường sắt, cảng biển, các dự án năng lượng, đường cao tốc, và ngày càng nhiều các dự án vệ tinh.

Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ vệ tinh. Theo Blaine Curcio - người sáng lập hãng Cố vấn Orbital Gateway, một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thị trường vệ tinh có trụ sở tại Hong Kong - đây không chỉ còn là những vệ tinh đơn thuần, mà đã trở thành những loại “cơ sở hạ tầng” giúp Trung Quốc gia tăng vị thế và ảnh hưởng của mình.

Ông Curcio nói: “Trước đây, một vệ tinh có thể kết nối hàng chục nghìn thuê bao, và con số này hiện đã lên tới hàng trăm nghìn hoặc lên tới hàng triệu.”

Theo ông, Trung Quốc có thể sẽ sớm tìm cách bán các vệ tinh theo gói thỏa thuận nhằm cung cấp giải pháp cho một vấn đề cụ thể nào đó, chẳng hạn như cung cấp các trang thiết bị và dịch vụ để đưa mạng trực tuyến tới 50.000 trường học trong một khoảng thời gian nhất định.

Không giống như các dự án cơ sở hạ tầng khác, các dự án về vệ tinh cho thấy khả năng trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong việc sử dụng công nghệ không gian toàn cầu có thể trở thành mối đe dọa an ninh đối với những quốc gia như Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc, cả quốc doanh và tư nhân , đã bắt đầu quảng bá các dự án vệ tinh và các khoản đầu tư cho công nghệ không gian là các dự án trong khuôn khổ BRI. Ông Curcio nói: “Xuất khẩu những thứ trị giá tới hàng trăm triệu USD, có sự tham gia của các kỹ sư lành nghề và kỹ năng cao là điều mà Trung Quốc chắc chắn rất mong muốn.” 

Đầu năm nay, công ty sản xuất vệ tinh nhà nước Công nghiệp Vạn lý Trường thành Trung Quốc (CGWIC) đã ký hợp đồng bán cho Nigeria 2 vệ tinh liên lạc với giá rẻ đi kèm với một số yêu cầu.

Bên cạnh đó, Nigeria cũng đang tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng mới trị giá 25 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư kể từ khi BRI được công bố vào năm 2013. CGWIC cũng đã giúp các nước khác như Lào và Pakistan phóng thành công vệ tinh.

Cuối năm 2016, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu và cũng là đơn vị phát triển công nghệ quốc phòng Trung Quốc - Cục Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng - đã chỉ rõ vị trí và tầm quan trọng của lĩnh vực không gian trong nỗ lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc.

Bắc Kinh cho biết họ muốn dùng các hạ tầng không gian và vệ tinh để thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, điều hướng và giám sát từ xa nhằm thiết lập “hành lang thông tin không gian Vành đai và Con đường.” Kế hoạch được chính phủ chỉ đạo nhằm mục đích xây dựng mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu, đối trọng đối với Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ, và khuyến khích các sản phẩm điện thoại thông minh, như của Huawei và Xiaomi, sử dụng hệ thống này. Hệ thống Bắc Đẩu hiện phủ sóng trên khoảng 30 quốc gia, trong đó có Lào và Myanmar.

Nhiều quốc gia như Hàn Quốc từng hỗ trợ kỹ sư ở các nước đang phát triển nghiên cứu chế tạo vệ tinh. Nga và Mỹ cũng giúp Nam Phi phóng vệ tinh thành công song quy mô và mục đích mà kế hoạch phát triển vệ tinh trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc lại hoàn toàn khác.

Ông Curcio cho rằng cùng với những đề xuất về các dịch vụ kiểu này cho hàng loạt quốc gia nhỏ bé hơn, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng về mặt chính trị. Ông nói: “Nếu vệ tinh trở thành một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng viễn thông… thì đây có thể là cách để Trung Quốc có được ảnh hưởng chính trị đáng kể bởi họ có thể thâu tóm và kiểm soát thông qua Internet.”

Sự phát triển của dự án vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou), cung cấp dịch vụ điều hướng và thông tin liên lạc cho các nước trong khuôn khổ BRI, là yếu tố khiến nhiều người lo ngại là có thể ảnh hưởng tới vấn đề an ninh quốc gia bởi Trung Quốc đã cải thiện đáng kể khả năng theo dõi và thiết lập điều khiển đối với với hệ thống này.

Đối với các quốc gia sử dụng công nghệ của Trung Quốc, các vệ tinh có thể trở thành “công cụ” khiến khối nặng nợ của các nước này trở nên nặng nề hơn.

Trung Quốc đề xuất các gói vay đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước nhỏ hơn và kết quả sau đó thường là các nước này không đủ khả năng chi trả. Trong trường hợp của Nigeria, không ai rõ những yêu sách và ưu đãi mà CGWIC có được khi để bán vệ tinh cho quốc gia này là gì./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục