Trung Quốc đang gắn mình với vị thế một siêu cường toàn cầu?

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Mỹ cần hiểu rằng "Trung Quốc là thực tế ở ngay trước cửa. Các nước châu Á không muốn bị buộc phải chọn bên."
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 19/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng chinausfocus.com đưa tin với hoạt động sản xuất chiếm 30% năng lực toàn cầu và một nền kinh tế được dự đoán sẽ vượt lên đứng đầu thế giới chỉ trong một thập kỷ tới, Trung Quốc đã gắn mình với vị thế một siêu cường toàn cầu.

Nước này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự hiện diện về lĩnh vực kinh tế của Bắc Kinh chắc chắn cũng được cảm nhận trên quy mô toàn cầu.

Trong vòng một thập kỷ qua, quyền lực của Bắc Kinh ngày càng được củng cố ở châu Á và những khu vực khác đang ngày càng trở nên không thể bỏ qua.

Trung Quốc nhận thức được rằng các nước trên thế giới đều muốn tăng cường tìm kiếm những cơ hội kinh tế nhằm đem lại lợi ích cho người dân của mình, và Bắc Kinh cũng hiểu rằng những thành tựu kinh tế thần kỳ của họ là mô hình mẫu mực để các nền kinh tế đang phát triển học hỏi.

[Fitch Ratings hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc]

Thông qua Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của mình, Trung Quốc đem lại một tầm nhìn về sự thịnh vượng chung và sự phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ ở hàng trăm nước khắp các châu lục, đồng thời cung cấp những phương tiện để triển khai và thực hiện tầm nhìn này.

Bắc Kinh đã thiết lập được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước tham gia và khi những mối quan hệ đối tác thuộc khuôn khổ BRI phát triển, sự kết nối của họ với Bắc Kinh sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Việc hỗ trợ tài chính cho những nước thiếu vốn và nâng cao mức sống của người dân bản địa đã đánh bóng hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc đưa vào hoạt động từ năm 2015 đã trở thành một công cụ giúp Bắc Kinh thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau nói trên.

Bắc Kinh giờ đây đang thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ mang tính chất ngày càng phụ thuộc này, không chỉ đối với các nước đang phát triển mà với cả những nước châu Âu, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng trong nước và quốc tế.

Rõ ràng, Trung Quốc đang đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng nhất trên thế giới đem lại sự thay đổi kinh tế (cho các nước khác).

Trái lại, Mỹ đang mất đi lợi thế của mình so với Trung Quốc khi xét đến năng lực hỗ trợ phát triển cho những nước kém phát triển do Washington thiếu những chính sách tăng trưởng, vướng vào các cuộc chiến tranh và thâm hụt ngân sách trong nước.

Giờ đây, Washington lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tận dụng "móng vuốt kinh tế" của mình để xuất khẩu mô hình quản trị của họ ra thế giới bên ngoài.

Mỹ đã thẳng thừng tuyên bố rằng Trung Quốc (và Nga) là "đối thủ cạnh tranh chiến lược," đồng thời công khai thực thi những chính sách hủy hoại lợi ích của Bắc Kinh.

Các nước giờ đây cảm thấy bất an trước kỳ vọng của Washington về việc chọn bên giữa Mỹ hoặc Trung Quốc.

Một số nhà phân tích chỉ trích Bắc Kinh vì đã hủy hoại quan hệ với Australia, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước châu Âu. Thế nhưng, những chỉ trích đó đã không xét đến thực tế rằng căng thẳng trong quan hệ của Trung Quốc với những nước này là hệ quả trực tiếp của những vấn đề liên quan đến Mỹ hoặc là hệ quả của chính những hành động chống Bắc Kinh mà những nước này "ra tay" theo mệnh lệnh của Washington.

Các nước lớn ở châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á và Đông Á, cho rằng họ sẽ phải trả một cái giá "quá đắt" nếu phải chọn bên theo yêu cầu của Mỹ.

Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs ấn bản tháng 7/8/2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thận trọng nhận định rằng mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung đặt ra những quan ngại sâu sắc về tương lai của châu Á và một định dạng trật tự quốc tế đang nổi lên.

Người dân mua hàng trong siêu thị ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 11/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Lý Hiển Long cho rằng Mỹ cần hiểu rằng "Trung Quốc là thực tế ở ngay trước cửa. Các nước châu Á không muốn bị buộc phải chọn bên."

Khi Bắc Kinh cho rằng những hành động của Mỹ và các đồng minh của Mỹ mang tính khiêu khích, họ đã phản ứng và điều này hoàn toàn dễ hiểu.

Về vấn đề Đài Loan, việc Mỹ vừa tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc" vừa tiến hành các thương vụ vũ khí cho hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai, đã cho thấy Washington ngày càng "nói không đi đôi với làm."

Bắc Kinh coi điều này là sự vi phạm chủ quyền của mình. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề Đài Loan, dù chỉ là "một ly một lai."

Về vấn đề tranh chấp đối với quần đảo ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Tokyo gọi là Senkaku, Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đã khiêu khích khi Nhật Bản quốc hữu hóa sự kiểm soát của họ đối với quần đảo này khi mua lại từ những người sở hữu tư nhân hôm 11/9/2012. Trung Quốc, tuyên bố sẽ không chấp nhận hành động này của Tokyo.

Khi các lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Guam, Philippines và Singapore, Trung Quốc cảm thấy bất an vì sự hiện diện quân sự của Mỹ quá gần với Đại lục.

Là một quốc gia thương mại lớn nhất trên thế giới, Bắc Kinh không chấp nhận một cường quốc khác tuyên bố Bắc Kinh là đối địch của họ, chỉ vì những lý do về thương mại.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại đối với những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, rốt cuộc chỉ khiến hàng hóa đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Khi cấm hơn 400 công ty Trung Quốc làm ăn kinh doanh ở Mỹ, cấm các công ty Mỹ nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao từ Trung Quốc, Washington còn phát động một chiến dịch trên quy mô toàn cầu nhằm lôi kéo đồng minh loại "gã khổng lồ" công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi thị trường của họ.

Dường như, chính sách của Mỹ là tìm cách loại bỏ Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi toàn cầu trong bối cảnh sự trỗi dậy của Bắc Kinh vẫn lớn mạnh. Washington đưa ra một bức tranh về cuộc "đọ sức" giữa hai hệ tư tưởng dân chủ và độc tài.

Mỹ cần tìm cách cùng chung sống với Trung Quốc. Nói cách khác, chính sách của Mỹ cần đi theo hướng "Trung Quốc sẽ không phải là tầm ngắm số một" của nước này.

Đáng tiếc, Mỹ ngày càng có xu hướng "nói quá" tầm ảnh hưởng của mình trong khi lại đánh giá thấp mức độ thiệt hại mà các nước khác sẽ phải gánh chịu nếu họ "quay lưng" lại với Bắc Kinh.

Nhờ nền kinh tế ngày càng tăng trưởng của Trung Quốc, nhiều nước có thể sẽ chọn đứng về phía Trung Quốc chứ không phải Mỹ.

Những lời lẽ "đao to búa lớn" và quá ngạo mạn sẽ chỉ đẩy hai nước xa ra nhau.

Cuộc họp giữa các quan chức cấp cao Mỹ-Trung tại Anchorage hồi tháng 3/2021 đã minh chứng cho điều này.

Cuộc gặp này diễn ra trong không khí căng thẳng, đầy những lời lẽ và giọng điệu thù địch, đã tước đi cơ hội hợp tác giữa hai bên.

Diễn biến quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ căng thẳng hơn nữa trong thời gian tới.

Mỹ không nên tự đặt mình vào thế "kẹt," khi vừa không thể thúc đẩy cuộc chiến chống lại Trung Quốc mà không gây ra những rủi ro nghiêm trọng và vừa không thể vãn hồi mà không bị bẽ mặt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục