Trang mạng atimes.com đưa tin, học giả người Mỹ Robert Keohane hồi năm 2008 đã nói "các thể chế đa phương không xóa bỏ các quốc gia hùng mạnh - và hiếm khi cố làm như vậy. Nhưng họ có thể làm thay đổi cách các quốc gia hành động."
Trung Quốc thường được xem là có ít ảnh hưởng chính trị ở Trung Đông. Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc theo đuổi các nguồn tài nguyên kinh tế như hóa dầu, thị trường tiêu thụ và công nghệ tiên tiến, họ tránh nhúng tay vào nhiều vấn đề chính trị của khu vực.
Sự miễn cưỡng tham gia sân chơi chính trị này phần lớn bắt nguồn từ một tư tưởng bảo thủ được ghi nhận trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc bởi Đặng Tiểu Bình.
Trừ khi một nguồn lực ở nước ngoài là điều cần thiết đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc, chính sách của Trung Quốc là tránh hành động chính trị một cách tích cực.
Trung Đông có một nguồn lực duy nhất tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia: đó là hóa dầu. May mắn cho Bắc Kinh, việc tiếp cận với dầu mỏ và khí đốt của khu vực được đảm bảo bởi các thị trường năng lượng toàn cầu có lợi cho người tiêu dùng và bởi sức mạnh của quân đội Mỹ.
Các nhà ngoại giao và công ty của Trung Quốc được tự do đuổi theo lợi nhuận và tạo ra các mối quan hệ gần gũi với các đối thủ trong khu vực. Và như vậy, không có gì ngạc nhiên khi thương mại và đầu tư là trụ cột của hoạt động của Trung Quốc ở Trung Đông, chứ không phải xe tăng và hay các hiệp ước.
Hậu quả của việc này xuất phát từ quan điểm của Trung Quốc cho rằng Trung Đông không phải là một khu vực gắn kết.
Về mặt chính trị và thương mại, Trung Quốc phân tách Trung Đông thành các khối. Khối Arab, Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là những khách hàng nổi bật, và Bắc Kinh chỉ chú ý đến địa chính trị trong khu vực.
Quan điểm ít chú trọng đến khu vực này có thể được nhìn thấy trong toàn bộ những tương tác của Trung Quốc ở "Tây Á," thuật ngữ của Trung Quốc dùng để nói về khu vực này.
Về mặt tri thức, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ theo truyền thống không được đưa vào các chương trình giảng dạy về Tây Á ở các trường đại học Trung Quốc.
Vụ Tây Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ tập trung vào các quốc gia Arab, với các quan chức riêng rẽ được phân công để phụ trách các vấn đề về Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ chức quốc tế duy nhất của Trung Quốc trong khu vực cho đến gần đây là Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - các nước Arab (CASCF), một thể chế được thành lập chỉ dành cho các quốc gia Arab.
Bỏ qua các vấn đề địa chính trị khu vực là những gì cho phép các nhà ngoại giao Trung Quốc duy trì quan hệ chặt chẽ với các quốc gia đối địch với nhau như Iran, Israel và Saudi Arabia.
Các công ty Trung Quốc như China Harbor và Huawei theo đuổi một kế hoạch tương tự, tách biệt các hoạt động thương mại của họ ở Israel với các dự án ở Iran và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
[Vì sao các khối liên minh Trung Đông ngày càng mong manh?]
Lần đầu tiên, kế hoạch này đang thay đổi. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) - xác định vai trò đối với chiến lược châu Á của Trung Quốc được dự kiến sẽ gia tăng trong những năm tới - đang đưa khu vực Trung Đông trở lại gắn kết về mặt địa lý với Trung Quốc.
Các hải cảng, đường sắt và đường ống dẫn dầu này được thiết kế để đan kết khu vực dưới sự thống trị "ôn hòa" của siêu cường Trung Quốc - hoặc ít nhất, để tăng cường thương mại khu vực vì lợi ích chính trị và thương mại của Trung Quốc.
Sự thay đổi ít rõ ràng hơn và sự thay đổi ít mang tính chính trị hơn, là sự nổi lên dưới chiếc ô BRI của các tổ chức khu vực mới hoặc mới được trao quyền.
Các tổ chức như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) công nhận tính toàn vẹn gắn kết của Trung Đông và có thể giải quyết các mối lo ngại địa chính trị của khu vực.
Và không giống như CASCF, AIIB và (theo báo cáo sẽ sớm được công bố) SCO bao gồm các đối thủ trong khu vực nằm trong danh sách thành viên của những tổ chức này.
Khi Israel, Iran và Saudi Arabia đang phục vụ cho một ủy ban duy nhất, do Trung Quốc chủ trì, làm nhiệm vụ phân bổ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng hoặc viết một tham luận về các vấn đề an ninh khu vực, dấu ấn chính trị của Trung Quốc trong khu vực sẽ không còn bị giới hạn ở lĩnh vực ngoại giao nữa.
Tại một hội nghị mới đây về Trung Quốc và Trung Đông, nhiều diễn giả đã bác bỏ những hàm ý chính trị của BRI đối với Trung Đông.
Như một cựu học giả hàng đầu nói: "Khi các nhà ngoại giao Trung Quốc chọn can thiệp với Hamas và Hezbollah, tôi sẽ đồng ý rằng Trung Quốc đang cố gắng gây ảnh hưởng về chính trị trong khu vực."
Phân tích chính sách thực dụng thông thường này đã bỏ qua một điều rằng thông qua BRI, Trung Quốc đang chuyển hướng tiếp cận từ việc can dự vào khu vực với tư cách tách rời nhau sang một khu vực Trung Đông thống nhất.
Bằng cách can dự vào khu vực với tư cách là một tổng thể gắn kết, và bằng cách thành lập các tổ chức bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực, Bắc Kinh và các công ty dưới sự lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên theo đuổi các mối quan tâm địa chính trị và mở rộng, tăng cường và hỗ trợ hợp tác giữa các nước.
Trên thực tế, Trung Quốc đang bắt đầu tái tạo một chiến lược mà gần đây họ đã bắt đầu theo đuổi trên bình diện quốc tế, đó là định hình lại các quy tắc và các tổ chức mang lại lợi ích riêng cho họ.
Đối với Israel và những nước khác ở Trung Đông, việc áp dụng các quy tắc và tổ chức này tạo ra các nguồn lực chính trị mới, dù tốt hay xấu, sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải trực tiếp can dự vào tình hình chính trị phức tạp của khu vực./.